Lên lớp – cứ ngỡ là chuyện tất nhiên khi trẻ qua mỗi độ tuổi và là “chuyện nhỏ”, thêm một tuổi thì lên lớp và chuyển giai đoạn thôi. Nhưng sự thật thì không hề đơn giản như các vị phụ huynh vẫn nghĩ!
Từ trước đến nay, các bậc cha mẹ, thậm chí đối với giáo viên, luôn nghĩ rằng giai đoạn bản lề khi trẻ thay đổi cấp lớp mới là những dấu mốc quan trọng cần để tâm đến trẻ (từ Mầm non qua Tiểu học, từ Tiểu học qua Trung học cơ sở, từ Trung học cơ sở qua Trung học phổ thông, từ Trung học phổ thông qua Cao đẳng/Đại học). Nhưng sự thật thì đối với trẻ mầm non, chỉ cần là chuyển từ lớp này lên lớp khác, học cô giáo này chuyển sang cô giáo khác cũng là cả vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, thái độ, tâm lý của trẻ theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Thầy cô và cha mẹ cần lưu ý và đồng hành đúng cách để cùng con nhẹ nhàng vượt qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn này.
Sẽ không thể tránh khỏi sự lạ lẫm, bỡ ngỡ khi con phải làm quen môi trường mới vì vậy việc thông báo, trò chuyện trước cho con việc chuẩn bị chuyển lớp thật sự rất quan trọng.
Cha mẹ có thể kết hợp cùng cô giáo để chuẩn bị tâm lí trước cho con. Hãy luôn nhắc tới việc được lên lớp lớn hơn như một việc tất yếu và là phần thưởng quý giá khi con đã trưởng thành hơn. Các cô sẽ hào hứng nói với con những cơ hội để được trải nghiệm những điều thú vị mới lạ hơn khi con chuyển lên lớp mới.
Do đặc trưng của Phương pháp giáo dục Montessori là lớp học trộn độ tuổi và tôn trọng nhịp độ phát triển của trẻ nên việc lên lớp trên của mỗi trẻ sẽ không giống nhau. Tại lớp học cũ, cô giáo cần thông báo với con và các bạn trong lớp về thông tin con sẽ chuyển lớp mới: Thời gian chuyển, tên lớp chuyển đến và tên của các cô giáo phụ trách lớp mới.
Tham quan thực tế lớp học mới cũng là một việc quan trọng để giúp trẻ trực quan cảm nhận môi trường mới để trẻ sẵn sàng tâm lý chuyển đổi. Cô giáo sẽ hướng dẫn con đi tham quan lớp mới, giới thiệu về cô giáo mới và những bạn học mới trong tương lai của con để con dần cảm thấy thân quen.
Giáo viên mới cũng chủ động trao đổi với giáo viên cũ về thói quen, nhận thức, tình cảm, sức khỏe của trẻ, nhất là một số trẻ có những đặc điểm về tâm lý, thể lý cần chú ý hơn như: nhút nhát, khó ăn ngủ, hay bệnh tật, dị ứng… Qua đây giúp cô có được những thông tin cơ bản về trẻ, giúp trẻ chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để có thể chuyển đổi môi trường làm việc một cách nhẹ nhàng nhất.
Trong thời gian đầu chuyển lớp, nếu trẻ khóc lóc và không chịu theo cô giáo mới vào lớp, không muốn đi học là vấn đề hết sức bình thường, cha mẹ không cần quá lo lắng về việc này. Các con cần có thời gian để làm quen và cảm thấy gắn bó hơn với các cô. Vì vậy các cô giáo thường sẽ không cố lôi kéo tách trẻ ra khỏi cha mẹ khi trẻ đang khóc vì không theo cô hay không muốn vào lớp. Việc này sẽ khiến trẻ có những ấn tượng không tốt về cô, cô giáo sẽ luôn bình tĩnh, nhẹ nhàng “lôi kéo” trẻ vào lớp bằng những hoạt động thú vị tại lớp học mới.
Với những trường hợp đặc biệt, trẻ có thời gian làm quen lâu hơn, cô có thể nhờ cô giáo cũ đón trẻ từ bố mẹ rồi chuyển giao trẻ vào lớp. Trong giai đoạn nhạy cảm này, con sẽ cần cha mẹ, thầy cô ở bên cạnh để chia sẻ những cảm xúc lo lắng và bỡ ngỡ đó. Với những kĩ năng sư phạm, sự tâm huyết, quan tâm của cô và sự phối hợp của bố mẹ, con chắc chắn sẽ mau chóng quen với môi trường mới. Mong rằng mỗi ngày đến trường với các con sẽ đều là một ngày vui ngay cả khi trong giai đoạn chuyển lớp.
– Nguyễn Thị Hồng Dung – Hiệu phó Cơ sở Phú Mỹ Hưng –
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.