fbpx

TẠI SAO KHÔNG NÊN ÉP TRẺ ĂN?  

Trên hành trình làm cha mẹ, chắc hẳn rằng bất kì ai trong chúng ta cũng đều có hơn một lần lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì đột nhiên một ngày nào đó bé yêu của chúng ta không chịu uống sữa hay lắc đầu từ chối các bữa ăn.   
 
Cha mẹ căng thẳng khi con bỏ ăn uống
 

Những ảnh hưởng khi ép trẻ ăn

“Là một người mẹ có con nhỏ, tôi cũng không ngoại lệ. Lần đầu cơn ác mộng kinh khủng mang tên “Bé biếng ăn” ập đến khi con vừa tròn ba tháng. Liên tiếp hai ngày trời, cả mẹ cả con vật vã cùng nhau ở từng cữ sữa. Vì trước đó, trung bình một cữ của con là khoảng 100ml mà nay chỉ tầm 30ml là bé không chịu hợp tác hoặc thậm chí từ chối ngay khi thấy bình sữa. 
 
Rồi đến thời kỳ ăn dặm là chuỗi ngày mẹ tự đấu tranh với bản thân rằng con đang làm quen, mẹ căng thẳng và luôn tự hỏi “Sao lượng ăn của con ít quá so với các bé khác cùng chung cư?”, “Tại sao dù đã đổi nhiều thực đơn, cách chế biến mà con lại từ chối thẳng thừng?”… Mẹ stress đỉnh điểm khi suốt một tuần con chỉ ăn theo kiểu cầm chừng để tồn tại. Không thể chịu đựng nổi, mẹ đã chủ động tìm đến các bác sĩ nhi nổi tiếng rồi nhờ các cô ở trường Clover Montessori tư vấn thêm và cuối cùng mẹ hiểu rằng: Mẹ đã sai ngay khi ép con ăn.” (Chia sẻ của mẹ Kim D.  – Phụ huynh bé T. lớp Nursery)
 
Bé không có hứng thú trước mỗi bữa ăn
 
Chắc hẳn ít nhiều các bậc cha mẹ trẻ đều thấy mình trong tâm sự trên đây, nhưng ba mẹ có biết: Mỗi trẻ sẽ có các giai đoạn biếng ăn sinh lí nhất định, trong khoảng thời gian ấy con ưu tiên học hỏi kiến thức – kỹ năng khác hơn là chú tâm cho việc ăn uống. Điều này có thể thấy khá rõ khi con chuẩn bị có các kĩ năng như bò, đi, đứng hay chuẩn bị mọc một chiếc răng. Và thường thì người lớn lúc này lại căng thẳng và nóng ruột như ngồi trên đống lửa vì nỗi lo “Sợ con đói” “Con không đủ năng lượng hoạt động”… mà không hiểu rằng: bản năng của con thôi thúc con sẽ ăn khi đói, con sẽ ăn khi có nhu cầu và hoàn toàn tự nguyện trong ăn uống mà không cần ai ép.
 
Việc ép trẻ ăn không những mang lại “đau khổ” cho người lớn mà nó còn có những tác hại ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự phát triển của trẻ sau này. Cụ thể là:  
 
1. Càng ép trẻ càng biếng ăn – Thật đúng vậy, việc ép con ăn bằng các hình thức khác nhau như cho đồ chơi, xem video, ăn rong, thậm chí dùng bạo lực sẽ chẳng bao giờ kết thúc được vấn đề biếng ăn của con mà còn làm cho chuỗi ngày tiếp theo ảnh hưởng đến tâm lý ăn uống của con. Con không biết rằng việc mình thật sự cần làm là gì? Mình có đang nạp năng lượng vào cơ thể hay không? Bản chất của việc ăn uống cũng từ đó mà biến chất.  
 
2. Trẻ không cảm nhận được vị ngon của thức ăn, trẻ không tích cực nhai, không sẵn sàng vận động cơ hàm nên dẫn đến việc trẻ nói ngọng, chậm nói. Khi trẻ bị ép ăn chính là người lớn đã vô tình có những hành động cố ý cướp mất đi quyền làm việc của các giác quan của trẻ, cướp đi quyền phát triển tự nhiên của các hệ cơ quan non nớt đang cố gắng hoàn thiện, trưởng thành. 
 
Ví dụ khi con ăn thịt, con sẽ không có thói quen nhai kỹ để cảm nhận mùi vị mà chỉ cố nuốt cho xong. Con khó có thể cảm nhận được kết cấu của sớ thịt dai dai, vị ngọt khi các enzym được tiết ra để tiêu hoá thức ăn, từ đó cơ hàm – răng của con không được hoạt động tích cực nên rất dễ dẫn đến các nguy cơ răng miệng, ảnh hưởng đến việc phát âm, giao tiếp sau này.   
 
3. Tăng nguy cơ nôn mửa hoặc thừa cân. Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Nguyên nhân là khi trẻ bị ép ăn nhiều, dẫn đến lượng lipid trong máu cao gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Không những thế, nếu tình trạng này kéo dài thì những trẻ em này sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, sỏi thận, bệnh gout và nhiều bệnh khác khi trưởng thành. Ngoài ra, việc ép bé ăn theo lượng mong muốn của người lớn sẽ làm trẻ có cảm giác buồn nôn và dễ bị trào ngược dạ dày.  
 

Những gợi ý giúp con ăn ngon miệng

 
Từ các hậu quả của việc ép ăn trên cũng đủ cho thấy việc ép ăn không hề mang lại hiệu quả tích cực cho trẻ mà còn ngược lại làm cho trẻ phải trải qua các bữa ăn thật kinh khủng thay vì các con được thưởng thức vị ngon của thức ăn. Theo thông tin báo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ y tế Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: cơ thể trẻ có thể tự cảm nhận được mức độ no và đói. Tùy theo thể trạng và khả năng hấp thụ mà mỗi trẻ sẽ có mức ăn khác nhau.
 
Lý thuyết là vậy nhưng đâu phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ kiên trì, can đảm và vững lòng trước những lần dọn bàn ăn cho con mà thức ăn vẫn còn nguyên vẹn, hay những bữa ăn con lắc đầu từ chối. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo 4 giải pháp mà Clover Montessori gợi ý dưới đây giúp con tự nguyện vui vẻ vào bữa ăn và ăn ngon miệng hơn mà không cần phải ép:
 
1. Cho con tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn: Hãy cho con cùng chuẩn bị bàn ăn, tự lấy và sắp xếp muỗng – nĩa – chén vào vị trí, tự quyết định món ăn và lượng thức ăn con lấy vào phần của mình. Bé sẽ cảm thấy hứng thú và tò mò hơn về những gì mình sẽ ăn và sẽ có xu hướng muốn thử các món ăn mới.
 
Con tự chuẩn bị dụng cụ ăn uống
 
2. Tạo không gian ăn uống thoải mái: Hãy tạo một không gian ăn uống tập trung, không xem TV – máy tính – điện thoại trong lúc ăn nhưng không khí bữa ăn nên nhẹ nhàng, thoải mái, ấm cúng để con có thể cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn khi ăn.
 
Giờ ăn trưa vui vẻ của các bé tại Clover Montessori
 
3. Không ép bé ăn: Hãy tránh ép bé ăn, vì điều này có thể làm bé cảm thấy căng thẳng và chán nản. Hãy cho bé tự quyết định khi nào cảm thấy đói và muốn ăn, khi nào con thấy no và ngừng ăn. Đừng lo con bị đói vì nhu cầu ăn uống ở trẻ mang tính bản năng, trẻ không có khái niệm nhịn ăn và sẽ nạp đủ thức ăn theo nhu cầu của cơ thể.
 
Con tự quyết định món ăn và lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu
 
4. Thử nhiều loại thực phẩm khác nhau: Hãy thử nhiều loại thực phẩm khác nhau để bé có cơ hội khám phá và trải nghiệm những món ăn mới. Thực đơn của con không chỉ đủ dinh dưỡng mà nên được phối hợp và thay đổi đa dạng tạo cho con sự hào hứng mong chờ tìm hiểu bữa ăn tiếp theo. Điều này giúp bé phát triển khẩu vị và có thể tìm ra những món ăn yêu thích của mình. Nếu gặp khó khăn trong việc xây dựng thực đơn cho con ở nhà, cha mẹ có thể tham khảo thực đơn từ trường học của con hoặc từ chuyên gia dinh dưỡng.
 
Một bữa ăn đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng dành cho con
 
Để giúp bé hình thành thói quen ăn uống tốt, cha mẹ cần kiên nhẫn và không nên quá lo lắng về việc bé ăn ít hoặc từ chối ăn. Hãy tạo cho bé một môi trường an toàn, thoải mái để bé có thể học hỏi và phát triển một cách tự nhiên. Chúc các bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dưỡng con yêu của mình!
 
Lúc này nếu chúng ta tìm được người đồng hành, tìm được nơi tin tưởng để giúp bản thân vững lòng hơn, tránh việc ép con ăn sẽ tiếp diễn chính là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất cho cả tâm lí người lớn và bé nhỏ. Clover Montessori luôn ở đây sẵn sàng làm người bạn đồng hành cùng các bậc cha mẹ trong hành trình chăm sóc nuôi dạy bé.
 
Hãy biến những bữa ăn của con thành những khoảnh khắc hào hứng
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tặng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.
 
 
Tác giả : Trần Kim Dung – Hiệu trưởng Cơ sở 2 mầm non Clover Montessori
Biên tập: Trần Thị Hồng Nhung