fbpx

TẠI SAO GIÁO VIÊN CẦN PHẢI NÓI NGÔN TỪ CÓ CHỌN LỌC VỚI TRẺ?

Giai đoạn 0 – 6 tuổi được các nhà khoa học và giáo dục học đánh giá là “giai đoạn vàng” của sự hình thành và phát triển ngôn ngữ, mọi tác động của môi trường xung quanh trẻ lúc này là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sử dụng ngôn ngữ và phát triển tư duy cho trẻ trong tương lai.
 
Ngôn ngữ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ. Ngôn ngữ chính là phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện bao gồm sự phát triển về tư duy nhận thức, sáng tạo, các chuẩn mực đạo đức, kỹ năng xã hội… Do đó cha mẹ, thầy cô nên chú ý đến các yếu tố quan trọng tác động đến ngôn ngữ của trẻ để kịp thời hỗ trợ con trẻ một cách tích cực nhất.
 

1. Sức khỏe, thể trạng

Sức khỏe kém sẽ ảnh hưởng đến thính giác, khiến trẻ giảm khả năng phát hiện tín hiệu âm thanh khiến ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ, gây cản trở có sự phát triển giao tiếp của trẻ. Bên cạnh đó muốn trẻ phát âm tốt, các cơ trên mặt và dây thanh âm cần được phát triển đầy đủ. Trẻ cần sức khỏe, thể trạng tốt để thực hiện các kỹ năng vận động tinh như viết và vẽ. Khi ốm đau, mệt mỏi, trẻ sẽ không nhiệt tình giao tiếp bằng ngôn ngữ, chuyển sang hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ. Vì vậy, người lớn cần quan tâm đến yếu tố sức khỏe cho trẻ ngay từ đầu.
 
Thể chất khỏe mạnh là nhân tố tích cực tác động đến sự phát triển ngôn ngữ
 

2. Khả năng nhận thức

Khả năng nhận thức được đánh giá là một trong những yếu tố hàng đầu có tác động đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khả năng nhận thức giúp trẻ hiểu ngôn ngữ sớm, làm giàu nhanh vốn từ vựng và biết sử dụng những câu có cấu trúc ngữ pháp phức tạp. 
 

3. Khả năng đọc và viết

Khả năng đọc và viết có tác động qua lại, tức là khi trẻ tập đọc, bộ nhớ não sẽ tiếp nhận thông tin về các chữ, từ, ý nghĩa và lưu giữ ấn tượng lại. Chăm chỉ đọc giúp trẻ tránh tình trạng quên chữ, khiến trẻ có tâm lý ưa thích việc rèn luyện viết chữ hơn. Tuy nhiên, không nên ép con đọc và viết quá sớm. Hãy dựa theo tâm lý của trẻ để sắp xếp, tránh tình trạng làm con chán nản ảnh hưởng đến phản xạ và tư duy.
 

4. Môi trường sống

Môi trường sống xung quanh trẻ có đặc điểm trao đổi ngôn ngữ sẽ trở thành lợi thế cho quá trình phát triển giao tiếp. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ nhanh biết nghe, nói, đọc, viết và muốn học hỏi mỗi ngày. Trẻ tiếp xúc với nhiều tình huống giao tiếp trên thực tế giúp trẻ ngày càng phản ứng nhanh với ngôn ngữ. Ngược lại những trẻ không được tiếp xúc nhiều có thể bị cản trở phát triển ngôn ngữ. Môi trường gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Gia đình thường xuyên có sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, trẻ sẽ có sự kích thích  phát triển ngôn ngữ tốt.
 

5. Môi trường giáo dục

Trẻ cần được học tập trong môi trường giáo dục tiến bộ với phương pháp giảng dạy phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Từ đó mang đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ ngày càng tăng cao, theo hướng tích cực.
 
Môi trường giáo dục tốt thúc đẩy khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ
  
Hiện nay trong các trường mầm non, giáo viên sử dụng nhiều hình thức hoạt động giáo dục, góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Tuy nhiên, khả năng ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ là hoàn toàn khác nhau. Sẽ hiệu quả hơn đối với việc phát triển ngôn ngữ của trẻ, nếu giáo viên nắm rõ các yêu cầu xây dựng, lựa chọn ngôn từ phù hợp, linh hoạt, sáng tạo trong khi đàm thoại với trẻ.  
  
Khi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Việt, có trẻ sẽ cố gắng bắt chước, lặp lại từ và cụm từ vừa học, có trẻ chỉ giữ im lặng. Đây là những biểu hiện hoàn toàn bình thường của trẻ, điều quan trọng là chúng ta không bỏ mặc trẻ, liên tục khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động học và chơi để rèn luyện ngôn ngữ. Đặc biệt, ở độ tuổi trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, con rất thích nói chuyện và là một bậc thầy “bắt chước”, chính vì vậy việc chọn lọc ngôn từ để sử dụng và giao tiếp trước mặt trẻ lại càng vô cùng quan trọng và cẩn trọng. Khi cô dạy trẻ tập nói những từ đơn giản bằng cách cho con nhắc lại theo cô hay xem hình ảnh mô tả, con sẽ học rất nhanh.  
 
Trẻ rất thích được trò chuyện với cô giáo hàng ngày
 
Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ ngôn ngữ giao tiếp và khả năng tư duy ngôn ngữ. Ở trường học, các con được tạo điều kiện giao tiếp với mọi người xung quanh, đây là cách dạy trẻ giao tiếp tự tin và sử dụng ngôn từ đúng cách. Ngoài ra, khi trò truyện với trẻ thường xuyên, con sẽ tin tưởng để chia sẻ, giãi bày, diễn đạt mong muốn với cô. Dần dần cô trò hiểu nhau hơn và trở thành những người bạn. Quá trình này cũng sẽ giúp giáo viên hiểu hơn những suy nghĩ của trẻ. 
  
Hơn hết, theo cách nói của Tiến sĩ giáo dục Maria Montessori thì khả năng tiếp nhận thông tin, hình ảnh của trẻ nhỏ từ 0 – 3 tuổi được ví như một “miếng bọt biển”. Hình tượng bọt biển mô tả đúng nhất khả năng thấm hút mạnh mẽ với lượng nước gấp nhiều lần trọng lượng của chính miếng bọt biển. Vì vậy việc lựa chọn cho con một môi trường an tâm và người lớn đặc biệt là người giáo viên khi  giao tiếp với trẻ thì hệ thống ngôn ngữ cần có chọn lọc, nói đầy đủ chủ ngữ vị ngữ là điều cực kì quan trọng. 
 
Nguyễn Thị Hồng Dung – Hiệu phó Cơ sở Phú Mỹ Hưng
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.