fbpx

NHỮNG HIỂU LẦM CỦA PHỤ HUYNH VỀ PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI 

Montessori là một phương pháp giáo dục mầm non còn khá mới mẻ tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây nên không tránh khỏi những hiểu lầm của phụ huynh trong quá trình tìm hiểu các trường mầm non ngoài phương pháp truyền thống.
 
Có nhiều phụ huynh nói với tôi rằng phương pháp Montessori chỉ dạy cho những trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật thôi đúng không?
 
Để trả lời câu hỏi này, tôi quay lại nguồn gốc ra đời của phương pháp Montessori. Bà Montessori là một nhà tâm lý học, một bác sĩ nhi ở Ý. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa, Bà được chính phủ Ý giao nhiệm vụ chăm sóc những đứa trẻ trong một khu lao động nghèo để ba mẹ của chúng có thời gian đi ra ngoài kiếm sống. Bà không được chính phủ giao bất cứ một nguồn lực nào cho nhiệm vụ này. Vì tình yêu thương với trẻ nhỏ, Bà đã tìm đủ mọi cách tốt nhất có thể để bắt đầu hành trình giáo dục trẻ của mình. 
 
 
Thoạt đầu Bà thử sử dụng những vật dụng không còn sử dụng được nữa để làm giáo cụ cho trẻ học như: cái trống đã bị hư, cái chén đã bể, v.v… Sau một thời gian Bà thấy những đứa trẻ rất tập trung làm việc trên những giáo cụ ấy. Dần dần bà bổ sung thêm những giáo cụ “lượm lặt” được để giúp những em bé của Bà. Chẳng bao lâu sau, những đứa trẻ này phát triển vượt bậc về kiến thức và cả nhân cách nữa. Tiếng lành đồn xa, ba mẹ của những em bé trong gia đình khá giả cũng bắt đầu quan tâm và cũng muốn con mình có sự tiến bộ vượt bậc như thế.
 
Thế là, Bà tiếp tục chinh phục mở các lớp học dành cho các em bé thuộc các gia đình giàu có. Một lần nữa, phương pháp của Bà cũng phát huy tác dụng, nhưng lần này sự phát triển của trẻ còn tốt hơn rất nhiều lần so với lớp học trước đó. Cứ thế, phương pháp giáo dục tiên tiến này đã tồn tại trên 120 năm qua, chưa bao giờ có phương pháp nào có thể bao trùm và toàn diện về cuộc đời một đứa trẻ như phương pháp này. 
 
Như vậy ý kiến cho rằng phương pháp Montessori chỉ áp dụng cho những bạn nhỏ tự kỷ và khuyết tật là những nhận định sai lầm. Phương pháp này giáo dục trẻ từ bản chất gốc của vấn đề, tôn trọng thiên tư của một đứa trẻ để gieo mầm, nuôi nấng để nó phát triển một cách tự nhiên. Tôi tin rằng, đứa trẻ luôn là một phiên bản tốt nhất của vũ trụ đưa xuống trần gian. Rất nhiều người trong chúng ta không tin điều đó. Kết quả là phiên bản ấy đã bị bóp méo trong quá trình nuôi dạy của người lớn. 

Sai lầm thứ hai mà rất nhiều phụ huynh hay nghĩ về phương pháp Montessori là sẽ đào tạo ra những em bé không năng động, chỉ thích làm việc một mình.

Có thể bạn chỉ mới quan sát đứa trẻ thông qua giờ làm việc giáo cụ. Ba mẹ sẽ thấy một môi trường lớp học tĩnh lặng, im phăng phắc, mỗi bé với một không gian riêng của mình, tập trung cao độ vào một giáo cụ cụ thể và hoàn toàn khác nhau giữa các trẻ trong cùng một thời điểm. Để có được sự tĩnh lặng này, hoàn toàn không phải do “con thích làm việc một mình” “con không năng động”… mà vì trẻ đã hiểu các quy trình lớp học, hiểu cách làm việc trong lớp học và biết cách tôn trọng các bạn khác trong lớp. 
 
Đặc biệt đối với bạn nhỏ nào đã học trên một năm tại Clover Montessori, bé hiểu hết cách vận hành những quy trình lớp học, quy tắc lịch sự trong giao tiếp. Một lớp học tự vận động mà không có tiếng quát tháo của giáo viên, hay tiếng la hét, trò chuyện lớn giọng giữa học sinh với nhau. Mọi thành viên trong lớp hiểu rằng lúc đó mọi người cần phải tôn trọng lẫn nhau, không một ai được cản trở người khác làm việc. Một không gian lớp học trật tự, trẻ tập trung cao độ vào việc của mình chẳng phải là điều mà tất cả phụ huynh đều mong muốn luyện tập cho con.
 
Lớp học Montessori còn có những giờ Circle time vô cùng sôi nổi
 

Sai lầm thứ ba là nhiều người cho rằng chắc các cô giáo “phải làm điều gì đấy” thì đứa trẻ mới chịu ngồi im như vậy?

Liệu có một hình thức “bạo lực mềm” nào đó đang vận hành lên đứa con của mình không nhỉ. Đọc bài Người Thầy Trong Trẻ sẽ thấy đứa trẻ nào nó cũng có khả năng tập trung nếu người lớn chúng ta đáp ứng đúng nhu cầu mà bé đang được thôi thúc bên trong. Trong lớp học Clover có trên 200 bộ giáo cụ, chia làm 5 góc đặc trưng đủ cho trẻ khám phá, đủ đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Đối với trẻ mầm non chúng ta không thể nào bắt các bạn ngồi yên khi các bạn không muốn. Không hành vi bắt ép hay bạo lực nào phát huy tác dụng khi người lớn bắt trẻ ngồi làm việc một cách tập trung và hạnh phúc được. Trẻ con như một tấm gương, phản chiếu hết những hành vi mà mọi người xung quanh giao tiếp với trẻ. Trẻ chỉ vui vẻ và hạnh phúc khi đó là sự vui vẻ và hạnh phúc thật sự. Không một sự gượng ép nào phát huy tác dụng với trẻ mầm non. 
 
Cô giáo thị phạm và hướng dẫn trẻ học với giáo cụ
 

Sai lầm thứ tư, nhiều người cho rằng trẻ năng động thì không thể học với phương pháp Montessori. 

Với những gì chúng tôi đã nói ở trên, trẻ năng động càng phải cho trẻ tiếp cận với phương pháp này càng sớm càng tốt. Tập trung là một kỹ năng rất quan trọng của cả một đời người. Với triết lý tôn trọng người thầy nội tại bên trong trẻ, các bạn nhỏ sẽ được đáp ứng nhu cầu học tập và khám phá. Đối với trẻ năng động, khả năng tập trung cần nhiều thời gian để luyện tập hơn. 
 
Trẻ tập trung thực hành tự học với giáo cụ
 

Sai lầm thứ năm, có người nghĩ rằng phương pháp Montessori chỉ tổ chức lớp học trong phòng thôi chứ không cho trẻ học bên ngoài thiên nhiên. 

Triết lý Montessori rất chú trọng đến sự kết nối thân tâm trẻ với thế giới thiên nhiên bên ngoài. Cụ thể tại Clover Montessori, trẻ được học bơi, đi dạo công viên mỗi buổi sáng, học đạp xe thăng bằng, đá bóng. Bên cạnh đó, các tiết học ngoài trời luôn được tổ chức hàng tuần đối với cả bộ môn tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, các chuyến tham quan, dã ngoại cũng được các trường mầm non chú trọng tổ chức định kỳ hàng tháng. Thông qua những chuyến tham quan bên ngoài, các con học thêm nhiều điều về thế giới xung quanh và làm giàu vốn từ vựng. 
 
Trẻ em trong một xã hội sẽ có lúc ở trong nhà, có lúc đi chơi công viên, có lúc ngồi học trong lớp. Phương pháp Montessori giúp trẻ làm quen với một cái cấu trúc xã hội từ đơn giản đến phức tạp. 
 
Lớp học Montessori là một xã hội thu nhỏ với các hoạt động làm việc như một công xưởng, trẻ tiếp xúc với trẻ có nhiều độ tuổi khác nhau, tự chăm sóc bản thân, học tập khám phá theo nhu cầu.
 
Nguyễn Huỳnh Thu Trúc – CEO Hệ thống mầm non Clover Montessori
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.