fbpx

Cùng con bước qua khủng hoảng tuổi lên 2

Nếu bạn đang có con bước vào độ tuổi lên 2, chắc hẳn bạn không ít lần đau đầu với những tình huống khó xử với bé. Đây là một trong những giai đoạn phát triển hoàn toàn bình thường của trẻ nhưng thường kèm theo những cơn giận dữ, hành vi bất đồng, cảm xúc thất vọng. Dù bạn có dùng biện pháp mạnh để con nghe lời nhưng gần như không hiệu quả với trẻ. Đây được xem là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2.

Khủng hoảng tuổi lên 2 có thể trở thành cơn ác mộng của không ít ông bố bà mẹ trẻ chưa có kinh nghiệm. Trong mọi tình huống, trẻ đều trả lời “không”. Vậy làm cách nào để đối phó khủng hoảng tuổi lên 2?. Hãy cùng Clover tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Khái niệm về khủng hoảng 2 tuổi:

Trước hết, thời kỳ này thường được thấy đặc trưng bởi hành vi “thách thức”; bao gồm: nói “không”, đánh, đá, cắn hoặc bỏ qua các quy tắc đã được bố mẹ đặt ra từ trước. Giai đoạn khủng hoảngkhông nhất thiết bắt đầu sau khi trẻ được 2 tuổi mà có thể đến sớm hơn. Thậm chí, một số trẻ có biểu hiện thay đổi tâm trạng thường xuyên và hay cáu giận. 

Thông thường, đây là giai đoạn bé bắt đầu chập chững biết đi, phát triển đầy đủ về trí tuệ và thể chất. Bé cũng đang bắt đầu biết:

  • Đi bộ
  • Nói chuyện
  • Có ý kiến cá nhân
  • Tìm hiểu về cảm xúc

Và hiểu các khái niệm như “của con”, “không được”, “hư quá”– những từ mà bé vẫn chưa tiếp thu được trước đó.

Thực ra, trẻ đang cố thể hiện sự độc lập của mình, nhưng lại không có đủ kỹ năng giao tiếp và vốn từ vựng về cảm xúc để bày tỏ. Do không có cách thể hiện cảm xúc của mình. Dẫn đến việc trẻ trở nên bực bội, có những hành vi như la hét, cắn, đá hoặc bỏ chạy.

Dưới đây là một số trường hợp dẫn đến tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2:

  • Không có kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện rõ ràng những gì trẻ muốn.
  • Trẻ có thể không đủ kiên nhẫn để đợi đến lượt mình.
  • Trẻ nghĩ mình có thể phối hợp tay và chân nhịp nhàng, tự mình đổ sữa hoặc bắt bóng… nhưng thực ra trẻ chưa thể thực hiện tốt những thao tác đó.

Dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 2:

Những đứa trẻ 2 tuổi thường kén chọn và thách thức tính nhẫn nại của người lớn; khả năng trì hoãn cho mọi tình huống. Dù không có danh sách rõ ràng về các dấu hiệu cho thấy bé đang trong giai đoạn khủng hoảng và mỗi cá nhân đều có cách thể hiện khác nhau. Nhưng vẫn xuất hiện một vài điểm chung sau đây: 

  • Tỏ ra khó chịu khi ba mẹ không hiểu ý:

Một trong những nguyên nhân phổ biến của những cơn gào khóc của bé là do người lớn không hiểu được bé muốn gì.

Ví dụ: Trẻ muốn uống nước nhưng khi bạn đưa nước; trẻ bật khóc vì bạn đã đưa một cái ly màu đỏ thay vì màu xanh yêu thích của bé.

Tuy nhiên theo kết quả từ một nghiên cứu năm 2003, ước tính khoảng 75% các cơn giận dữ ở trẻ từ 18 đến 60 tháng tuổi kéo dài từ 5 phút trở xuống. Mức độ xảy ra ở trẻ em trai hay gái đều như nhau.

  • Đá, cắn hoặc đánh những người xung quanh:

Giai đoạn này, trẻ có thể không có nhiều từ ngữ để diễn tả và vẫn đang phát triển khả năng kiểm soát sự xúc động nên dễ bùng phát bằng hành động như đá, cắn, đánh người khác. Dù điều này khá phổ biến nhưng đây là thái độ cần phải được can thiệp để ngăn chặn bé sinh ra thói quen không tốt về sau.

  • Tức giận một cách vô cớ:

Điều đáng sợ nhất trong các dấu hiệu của giai đoạn này là những cơn giận dữ nơi công cộng. Nếu bạn mong đợi bé xử sự đúng đắn ở nơi công cộng vì nghĩ rằng con có thể kiềm chế trước nhiều người thì sự thật lại chỉ khiến bạn thất vọng thêm mà thôi.

  • Bắt đầu nói “ Không “ nhiều hơn:

Đôi lúc trẻ sẽ làm bạn bối rối khi bày tỏ “không” một cách vô nghĩa trong nhiều tình huống. Ví dụ như khi bạn đưa cho bé đồ ăn vặt, đồ chơi yêu thích, chúc bé ngủ ngon…

  • Bảo vệ lãnh thổ:

Ở giai đoạn này, trẻ đang tìm hiểu khái niệm về sự sở hữu. Do đó, bé sẽ trở nên nhạy cảm với “lãnh thổ” của mình và sẵn sàng đánh nhau với mọi người nếu cảm thấy “lãnh thổ” bị xâm phạm. Ngay cả khi đó chỉ là một chiếc ghế bé ngồi ăn cơm hay chỗ nằm trên giường.

Khủng hoảng tuổi lên 2 kéo dài bao lâu?

Clover Montessori
Clover Montessori

Khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm bớt khi trẻ hiểu rõ bản thân, quy tắc hơn. Biết cách truyền đạt được ý muốn của mình tới người khác cũng như học cách giữ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi trẻ lại có một tốc độ phát triển, học hỏi khác nhau; thế nên rất khó để khẳng định cụ thể được khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ chấm dứt khi nào.

Cùng trẻ trải qua khủng hoảng tuổi lên 2 như thế nào?

Việc đối phó với giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 của con không dễ dàng. Đây là một số cách giúp bạn cùng con vượt qua quá trình này như sau:

  • Đừng lên lịch đi chơi hoặc hoạt động vào những thời điểm mà bạn biết con có khả năng tức giận nhiều nhất. Thường là gần giờ ngủ trưa hoặc giờ ăn
  • Thay vì cố gắng thuyết phục khi bé đang khóc; bạn hãy chuyển sự chú ý của trẻ sang hướng khác.
  • Chuyển “không” thành “có”, những lúc trẻ nhỏ giận dữ và muốn ném đồ. Thay vì nói: “Con không được làm như vậy nghe không?”. Bạn hãy gợi ý về việc ra ngoài chơi ném bóng chẳng hạn
  • Trong giai đoạn tập đi, bé vẫn có thể ngủ trưa từ 1– 3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng để con chợp mắt khi gần đến giờ ngủ buổi tối. Nếu không, cả bạn lẫn bé đều sẽ gặp mệt mỏi đấy
  • Hình phạt vẫn là điều cần thiết để bé không hình thành thói quen xấu. Những khi con có xử sự không phù hợp với hoàn cảnh; bạn hãy bế bé đến một góc yên tĩnh để giúp con bình tĩnh lại.

Ngăn ngừa cơn giận dữ tạm thời:

Các chuyên gia và nhiều phụ huynh đồng ý rằng có thể dự đoán các thời điểm khiến bé kích động và có thể xoa dịu tâm trạng của bé. Ví dụ, khi mang giày cho con, bạn hãy hỏi con thích màu gì. Bằng cách này, bé phải đưa ra sự chọn lựa và không thể bùng phát cơn tức giận.

Một gợi ý khác để ngăn chặn cơn tức giận là nói cho bé biết bố mẹ định làm gì trước khi hành động. Dù vẫn chưa hình dung được mọi chuyện sẽ diễn biến thế nào, nhưng bé có thể dần quen với các bước thực hiện và không bị bối rối.

Ví dụ: Khi chuẩn bị đưa con ra ngoài, bạn có thể nói:

  • Mẹ sẽ thay quần áo cho con
  • Mẹ sẽ để con xem tivi trong lúc đợi mẹ thay đồ
  • Mẹ sẽ mang giày cho con
  • Mẹ sẽ bế con ra xe với bố

Cuối cùng, một mẹo nhỏ nữa là dự đoán trạng thái cảm xúc của con; đặc biệt trong những ngày bé tỏ ra mệt mỏi. Thay vì đưa trẻ đến công viên sau bữa ăn, bạn hãy ở nhà và chơi cùng con.

Khủng hoảng tuổi lên 2 không chỉ là cuộc “khủng hoảng” của riêng trẻ mà nó cũng là khủng hoảng của cha mẹ. Vì thế, người lớn cũng cần hiểu rằng sẽ có thể xảy ra nhiều xung đột với trẻ trong giai đoạn này là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Đừng bắt trẻ phải che giấu những nhu cầu của bản thân; hay phải lo lắng cố gắng đoán ý của người khác và hành động theo ý người khác muốn. Điều này chắc chắn dẫn đến sự phát triển tâm lý không tốt cho trẻ.

Cha mẹ nên thấu hiểu những thay đổi về tâm lý của con. Hãy yêu thương và tôn trọng con và giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 đầy khó khăn này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *