fbpx

TỰ LẬP – BẮT ĐẦU TỪ VIỆC TỰ XÚC ĂN

Trẻ càng nhỏ càng dễ tiếp thu những kiến thức mới và nhanh chóng học cách tự lập. Trẻ tự xúc ăn là hành vi chủ động điều đó có lợi cho bé cả về sức khỏe lẫn hành vi.
 
Đa phần các bậc cha mẹ luôn có sự trăn trở đến với các cô về việc ăn uống của con như: “Làm sao mà các cô có thể tập cho bé tự xúc ăn được hay vậy?” “Ở nhà bé không tự xúc ăn, phải hò hét, la mắng, rồi bé còn ngậm hoặc phun ra”… 
 
Đừng để mỗi bữa ăn của trẻ thành một cuộc chiến
 
Trẻ càng nhỏ càng dễ tiếp thu những kiến thức mới và nhanh chóng học cách tự lập. Bé tự xúc ăn là hành vi chủ động, nếu được hướng dẫn và khuyến khích thì bé sẽ có một thói quen tốt khi ăn – điều đó có lợi cho bé cả về sức khỏe lẫn hành vi. Vậy nên, hãy để bé tự mình xúc ăn khi bé đang trong giai đoạn này. Đây là giai đoạn vàng để người lớn chúng ta hướng dẫn bé cách cầm nắm muỗng, nĩa, đũa để tự đáp ứng nhu cầu bản thân. Tại Clover Montessori, các bé nhỏ từ lớp Nursery (15 – 24 tháng tuổi) đã có thể tự xúc ăn được. 
 
Tại sao Clover lại để con tự làm điều này? Đối với con, việc tự xúc ăn có là cơ sở để con có thể phát triển toàn diện hơn:  
 
Phát triển tính cách độc lập 
 
Việc con tự xúc ăn là một hoạt động sẽ hình thành dần cho con tính tự lập cao, không bị lệ thuộc vào người lớn. Tại Clover, con có quy trình riêng để đi dọn bàn ăn, ngồi ghế ăn nghiêm túc và tự xúc đủ lượng đồ ăn mà mình mong muốn. Con không cần phải nhìn nét mặt của người lớn, việc con quan tâm lúc này chỉ là đồ ăn và cơm ở trên khay.  
 
Rèn luyện vận động thô, vận động tinh
 
Việc cho trẻ tự xúc ăn từ nhỏ thực chất là rèn luyện sự dẻo dai của các ngón tay trẻ, đồng thời cũng là rèn luyện khả năng chỉ huy não bộ của trẻ. Trẻ phải tự mình dùng thìa, nĩa và tự ăn, dù còn vụng về, nhưng điều này cần thiết cho sự phát triển vận động của trẻ. Các cô chỉ quan sát, hướng dẫn trẻ khi thấy trẻ cần sự giúp đỡ. Phát triển sự khéo léo bằng tay và kỹ năng phối hợp tay mắt, trẻ thực hành việc xúc các mẫu thức ăn nhỏ bằng muỗng và ngón trỏ sử dụng kỹ năng vận động tinh được gọi là “kìm kẹp”. Trẻ cũng có thể học được cách tự xúc thức ăn nhai và nuốt nhanh hơn so với trẻ được đút bằng thìa. 
 
Kỹ năng chăm sóc bản thân
 
Với kỹ năng cầm muỗng, nĩa khi ăn con sẽ được học các kỹ năng khéo léo, cẩn thận khi sử dụng. Từ những ngày đầu tập cầm muỗng con xúc cơm sẽ bị rơi vãi ra bàn, đồ ăn dính đầy trên mặt cho đến một ngày khi đã sử dụng thành thạo, khéo léo con đã có thể đưa gọn gàng đồ ăn và cơm vào miệng thậm chí là dùng muỗng để tém gọn miệng. Con sẽ tự kiểm soát được lượng đồ ăn mà con muốn khi ăn, tự gia giảm nhiều hay ít theo ý muốn của bản thân hay hơn hết con sẽ chủ động lựa chọn thức ăn bản thân yêu thích để ăn. 
 
Trẻ vui vẻ háo hức và chủ động trước mỗi bữa ăn
 
Người lớn có nhiều thời gian và tâm lí thoải mái hơn
 
Việc con tự xúc ăn tiết kiệm thời gian cho các bậc phụ huynh khi đút cho trẻ ăn. Việc chúng ta cần làm là chỉ là chế biến đồ ăn cho trẻ, có màu sắc đẹp mắt còn lại việc xử lý chúng thế nào là việc của trẻ. Điều này cũng giúp trẻ có thể tham gia vào bữa ăn cùng gia đình dễ dàng hơn vì trẻ có thể ăn được nhiều loại thức ăn giống như các thành viên khác trong gia đình. Cả gia đình cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm và cả cảm giác tự hào sau khi thấy con cầm muỗng tự xúc ăn và có khoảng thời gian tham gia bữa ăn cùng mọi người. Từ đó tình cảm gia đình sẽ ngày được gắn kết hơn, con hiểu được ý nghĩa của bữa cơm gia đình và trân trọng, tận hưởng giây phút hạnh phúc ấy. 
 
Rèn cho trẻ tính tự lập trong ăn uống cần rất nhiều sự kiên nhẫn
 
Dạy con cầm muỗng xúc ăn là hành trình gian nan và cần một khoảng thời gian. Đôi lúc cha mẹ sẽ thấy mệt mỏi vì bé quấy khóc, nghịch ngợm hoặc không chịu ăn. Điều duy nhất cha mẹ hãy làm đó là kiên nhẫn, không nên sốt ruột mà chịu khó hướng dẫn bé tự xúc ăn hàng ngày. Ngoài ra, bố mẹ hãy dành cho con những lời động viên, lời khen cho sự nỗ lực tự ăn của con. 
 
Hãy tập cho con tự ăn và xem đó là một công việc nghiêm túc, cần đầu tư thời gian và công sức, cần có cả phương pháp đúng đắn. Đừng để bé bị thui chột sự tự lập và tự tin, đừng tước đi cơ hội tự thử nghiệm của bé, cũng đừng tạo cho bé sự thụ động vì sự chiều chuộng quá đáng của người lớn. Đó là những sai lầm có tính hệ thống cần phải nghiêm túc điều chỉnh vì nó không chỉ làm ba mẹ mệt mỏi mà còn bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển nhân cách cũng như kỹ năng sống của bé. 
– Cô Kim Nguyên – Giáo viên Montessori Cơ sở Phú Mỹ Hưng – 
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.