Có rất nhiều lý do khiến trẻ biếng ăn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy trẻ biếng ăn phải làm sao? cách trị trẻ biếng ăn thế nào để giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện là mối quan tâm của nhiều bố mẹ. Trong bài viết này hãy cùng Clover điểm qua những nguyên nhân và cách khắc phục vấn đề này nhé!
5 dấu hiệu cảnh báo trẻ biếng ăn
Để sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời tình trạng biếng ăn ở trẻ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, Clover Montessori gợi ý các bố mẹ một số dấu hiệu nhận biết biếng ăn dưới đây:
1. Chỉ số cân nặng, chiều cao không đạt chuẩn
Liên tiếp trong vòng 3 tháng, chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ gần như đứng yên tại chỗ, tăng rất ít thậm chí trẻ có thể bị sụt cân. Điều này cho thấy trẻ có thể đang mắc chứng biếng ăn, ăn không hấp thu.
2. Trẻ chỉ ăn một vài loại thức ăn, không chịu ăn thử món mới
Mỗi bữa ăn trẻ chỉ ăn đúng một loại thực phẩm, ăn đúng món ăn mình thích ngoài ra không muốn thử hoặc ăn bất kỳ món mới nào. Đây cũng được xem là dấu hiệu biếng ăn ở trẻ bố mẹ cần lưu ý. Bởi trẻ con thường thích khám phá, “nếm trải” những điều mới lạ, và đương nhiên, các món ăn mới cũng không ngoại lệ vì chúng bao giờ cũng khá hấp dẫn và thơm ngon.
3. Bé “bất hợp tác” khi đến bữa, thời gian mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút
Thời gian ăn lâu hơn bình thường, mỗi bữa ăn của trẻ có thể kéo dài hơn 30 phút. Trong bữa, trẻ thường nhai thức ăn rất chậm, hoặc không nhai, ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt hoặc lấy tay che miệng, phun/nhè thức ăn ra ngoài khi được đút cho ăn…
4. Lượng thức ăn mỗi ngày ít hơn những trẻ cùng độ tuổi
Tùy theo đội tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, khả năng hấp thu mà… lượng thức ăn ăn vào hàng ngày của mỗi trẻ không giống nhau. Tuy nhiên, nếu so sánh với những đứa trẻ cùng tuổi, lượng thức ăn, sữa trẻ nạp vào cơ thể hàng ngày khá ít và có chiều hướng ngày càng giảm, bố mẹ không nên chủ quan, bởi đây là một dấu hiệu cảnh báo trẻ biếng ăn.
5. Trẻ dễ mắc bệnh hơn
Khi một đứa trẻ biếng ăn, lười ăn cơ thể sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng và tăng cường/ nâng cao hệ thống miễn dịch. Do đó, trẻ rất dễ bị bệnh vặt (nhất là các bệnh về đường tiêu hóa và bệnh ở đường hô hấp) và tần suất đi khám bệnh/ hoặc nhập viện của trẻ nhiều hơn so với các bạn cùng tuổi.
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
-
Trẻ biếng ăn do thói quen xấu từ bố mẹ tạo ra
Hầu hết trẻ em hiện nay lười ăn do những thói quen xấu mà vô tình bố mẹ tạo ra ngay khi còn bé. Đó thường là nuông chiều trẻ quá mức để trẻ ngậm thức ăn lâu trong miệng, chỉ cho trẻ ăn những thức ăn mà trẻ muốn, để trẻ nuốt thức ăn mà không nhai, cho trẻ ăn đồ quá lỏng hoặc xay quá nhuyễn khi còn nhỏ khiến phản xạ nhai của trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra thì còn có những nguyên nhân cụ thể khác cũng chính do ông bà, bố mẹ tạo nên khiến trẻ biếng ăn mà bạn sẽ biết thêm ở những mục phía sau.
-
Trẻ biếng ăn do đang bị bệnh
Khi trẻ bị ốm, bị nhiễm bệnh, đặc biệt là khi bị mắc các bệnh cấp tính do trẻ bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa như ho, sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản… viêm ruột, viêm dạ dày… thì cơ thể trẻ sẽ vô cùng yếu và mệt mỏi. Lượng lớn các vitamin và khoáng chất trong cơ thể trẻ sẽ bị hao hụt đi, điều đó khiến trẻ biếng ăn.
-
Biếng ăn do cơ thể bé thiếu vi chất
Nguyên nhân nữa dẫn đến việc biếng ăn ở trẻ la do cơ thể của trẻ bị thiếu các vi chất như Magie, Sắt, Kẽm, Selen khiến cho trẻ không cảm thấy ngon miệng, dẫn đến lười ăn. Các bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này vì nếu để trẻ thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng xấu không chỉ đến sức khỏe mà còn cả đến tinh thần của trẻ.
-
Do trẻ biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý là dạng biến ăn thường xảy ra khi bé bước vào các giai đoạn từ 3-4 tháng tuổi, từ 9-10 tháng tuổi và từ 16-18 tháng tuổi. Đây là những giai đoạn mà trẻ bắt đầu có những thay đổi về mặt sinh lý như tập lẫy, tập đứng, tập đi… khiến cơ thể trẻ cũng có những thay đổi để thích nghi.
Có thể nhận biết có phải trẻ biếng ăn sinh lý hay không, nếu như trẻ vẫn đang khỏe mạnh bình thường, vẫn những thực đơn như cũ nhưng tự nhiên trẻ lại ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Thông thường sau thời gian này, trẻ sẽ lại ăn uống như bình thường, có thể ăn nhiều hơn. Nhưng cũng nhiều trường hợp, từ biếng ăn sinh lý mà trẻ lại có thói quen lười ăn nếu bố mẹ không chú ý.
-
Trẻ không tập trung vào ăn uống
Để trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, chơi các loại đồ chơi hay bế trẻ đi loanh quanh trong bữa ăn của trẻ sẽ khiến cho trẻ không được tập trung vào việc ăn uống, từ đó sự cảm nhận về thức ăn của trẻ bị mất đi, trẻ không có nhiều cảm giác nhai, nhuốt và không thấy được vị ngon từ thức ăn, từ đó mà hình thành thói quen biếng ăn của trẻ.
-
Bé biếng ăn do ăn uống kiểu “tùy hứng”
Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn, hoặc đơn giản là không sắp xếp được thời gian cho con ăn hợp lý mà thường xuyên cho trẻ ăn không đúng bữa, hoặc chỉ khi nào trẻ muốn ăn thì mới cho trẻ ăn. Điều này thực sự không tốt chút nào vì không chỉ khiến trẻ biếng ăn, không hứng thú với chuyện ăn uống mà còn ảnh hưởng đến cả hệ tiêu hóa của trẻ.
-
Do rối loạn tiêu hóa khiến trẻ biếng ăn
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ gây ra những tình trạng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, khó tiêu, nôn trớ… mỗi khi trẻ ăn. Điều này khiến trẻ sợ hãi và mất dần đi cảm giác ngon miệng, gây ra chứng biếng ăn ở trẻ.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là do trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, đặc biệt trong trường hợp trẻ phải sử dụng kháng sinh kéo dài. Để khắc phục chứng rối loạn tiêu hóa cho trẻ thì các mẹ cần bổ sung lợi khuẩn thông qua các loại men vi sinh cho trẻ.
-
Trẻ lười ăn vì không tiêu hóa hết thức ăn
Nếu cho trẻ ăn quá nhiều, hệ tiêu hóa của trẻ phải hoạt động quá công suất, trong khi đó lại không đủ khả năng tiêu hóa hết lượng thức ăn trẻ phải đưa vào cơ thể. Bởi thế trẻ sẽ có cảm giác no không muốn ăn, cũng như phải ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ sợ và dẫn tới biếng ăn.
-
Trẻ biếng ăn do căng thẳng tâm lý
Thường gặp ở những trẻ dễ khóc, dễ hờn, nhiều cảm xúc nên dễ bị tâm lý căng thẳng gây ảnh hưởng đến chuyện ăn uống. Có thể chỉ cần thay đổi một chút về môi trường, giờ ăn, người cho ăn hay chỉ cần bị mắng một chút, lạnh nhạt một chút từ bố mẹ cũng khiến trẻ bị ức chế, căng thẳng mà mất đi cảm giác thèm ăn.
Nhưng đối với nhiều trẻ bình thường, việc quát nạt, dọa dẫm, thúc ép khi ăn (xảy ra nhiều do người giúp việc, giáo viên hoặc cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc) sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, bữa ăn trở thành cực hình với trẻ và trẻ sẽ không muốn ăn nữa.
-
Do thói quen ăn vặt mà trẻ biếng ăn
Đây thực sự là một thói quen rất xấu mà các bố mẹ tạo nên cho con mình, ăn vặt là nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở không ít trẻ nhỏ. Không chỉ khiến trẻ bỏ bữa, lười ăn bữa chính mà những đồ ăn vặt cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ gây hại cho đường tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ. Vì thường những đồ ăn vặt mà trẻ thích như xúc xích, snack, khoai tây chiên, bánh ngọt thường có nhiều gia vị, nhiều chất phụ gia đi kèm là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở trẻ.