fbpx

10 BỆNH KHI GIAO MÙA TRẺ THƯỜNG GẶP PHẢI

Bệnh giao mùa là gì? Thời tiết, khí hậu vào thời điểm giao mùa thay đổi thất thường lúc nắng, lúc mưa là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển. Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đó, cộng thêm sự xâm nhập và tấn công của “tổ hợp” tác nhân gây bệnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Dưới đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa:

1. Bệnh sốt Xuất Huyết:

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết gồm sốt cao kéo dài, có thể cao tới 40 độ C, đau đầu dữ dội, nổi mẩn, phát ban. Khi bệnh tiến triển nặng, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, nôn hoặc ói ra máu… nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
  • Phương pháp điều trị:  hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh giao mùa nguy hiểm, có thể tiến triển nhanh và bùng phát thành dịch, do đó khuyến cáo bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời ngay khi có các triệu chứng bệnh kể trên.
  • Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và bọ quậy, loại bỏ nơi sinh sản của chúng; phòng chống muỗi đốt trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo dài, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi kem xua muỗi cũng như các biện pháp khác được chỉ đạo bởi chính quyền địa phương.

2. Bệnh tay chân miệng

  • Dấu hiệu nhận biết: Trẻ em mắc bệnh có thể có những nốt phỏng nước trên da, loét niêm mạc miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng như khó thở, nôn trớ, co giật và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi… trường hợp xấu có thể gây tử vong.
  • Phương pháp điều trị:  hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay – chân – miệng. Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm ở trẻ, do đó khi có dấu hiệu bệnh, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, các biện pháp phòng ngừa gồm hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay bằng xà phòng và theo dõi các triệu chứng bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

3. Bệnh viêm da dị ứng

  • Dấu hiệu nhận biết: Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, có thể chảy dịch, phù nề,… Một số trẻ có thể ho, sốt, chán ăn và sụt cân.
  • Phương pháp điều trị: Bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách, hiệu quả.
  • Cách phòng ngừa: Phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ bằng cách vệ sinh nhà cửa, chăn gối, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng; dưỡng ẩm cho trẻ, che chắn cẩn thận cho trẻ khi ra ngoài; bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

4. Bệnh sởi

  • Dấu hiệu nhận biết: Các triệu chứng đặc trưng của sởi là sốt, sổ mũi, ho khan, phát ban, viêm kết mạc… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như khô loét giác mạc mắt, viêm não, viêm tai giữa, viêm phổi…
  • Phương pháp điều trị: Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng và vệ sinh răng miệng đầy đủ. Bù nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn của trẻ, lưu ý nên cho trẻ sử dụng đồ ăn dạng lỏng dễ tiêu. Khi các triệu chứng trở nên nặng hơn như khó thở, ho nhiều, nốt ban đã lặn nhưng vẫn sốt cao… bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị can thiệp kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Tốc độ lây lan bệnh sởi rất nhanh, do đó tiêm ngừa vắc xin đúng lịch và đủ mũi theo phác đồ là biện pháp phòng ngừa bệnh đơn giản nhưng hiệu quả nhất, bảo vệ trẻ, gia đình và cộng đồng.

5. Bệnh viêm não Nhật Bản

  • Dấu hiệu nhận biết: Trẻ em mắc bệnh viêm não Nhật Bản không có bất cứ triệu chứng nào ở giai đoạn ủ bệnh. Đến giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn kèm theo các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, nôn, thậm chí rối loạn nhãn cầu, mất nhận thức.
  • Phương pháp điều trị: Hiện viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Khi có các triệu chứng bệnh, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như phù nề não, cơn co giật và các biến chứng ở hệ hô hấp và tim mạch…
  • Cách phòng ngừa: Để phòng ngừa viêm não Nhật Bản cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đủ mũi và đúng lịch; đồng thời vệ sinh sạch sẽ nơi ở, môi trường xung quanh; cho trẻ mặc đồ dài, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt truyền bệnh…

6. Bệnh cảm cúm

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng bệnh cúm rất dễ nhầm lẫn với dấu hiệu cảm lạnh thông thường nên nhiều bố mẹ bỏ qua dấu hiệu ban đầu. Sau khoảng 2 ngày tiếp xúc với virus gây bệnh cúm, trẻ có thể bị sốt, ớn lạnh, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi. Một số trẻ gặp các triệu chứng khác như đau tai, đau họng, nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
  • Phương pháp điều trị: Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ kết hợp cho trẻ nghỉ ngơi, uống bù nước và bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng
  • Cách phòng ngừa: Thiết lập thói quen rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện…  “Tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm được xem là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ông bà, bố mẹ, người lớn trong gia đình cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh để tránh lây bệnh cho trẻ, đặc biệt là trẻ chưa tới độ tuổi tiêm ngừa. ”

7. Bệnh hen suyễn

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng đặc trưng của hen suyễn là các cơn ho khò khè kéo dài, có thể tái phát nhiều lần. Các cơn ho có chiều hướng tăng vào ban đêm hoặc lúc gần sáng, đặc biệt trẻ có thể ho dữ dội dẫn đến khó thở khi chuyển mùa.
  • Phương pháp điều trị: Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hen suyễn. Các biện pháp điều trị chủ yếu nhằm cắt cơn hen, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Do đó, chuyên gia khuyến cáo bố mẹ theo dõi, nhận biết sớm các triệu chứng hen suyễn ở trẻ và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được kiểm soát và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.
  • Cách phòng ngừa: Tránh để trẻ sống hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đầy khói bụi, thuốc lá. Bổ sung dinh dưỡng đúng cách, tránh những thực phẩm làm tăng cơn hen đối với những trẻ có tiền sử hen suyễn. Đặc biệt, mặc ấm, giữ ấm cơ thể trẻ và tiêm vắc xin đầy đủ để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ tránh “bệnh chồng bệnh” vào thời điểm giao mùa thu đông.

8. Bệnh nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng hô hấp là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì nhiễm trùng hô hấp, chủ yếu là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. WHO và Unicef đã phát động chương trình phòng chống bệnh nhiễm trùng hô hấp với mục tiêu cụ thể: Giảm tỷ lệ tử vong bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm tỷ lệ kháng kháng sinh.

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp ở trẻ rất đa dạng, trẻ có thể sốt cao, ho, nhịp thở nhanh, tiếng thở rít, tím tái quanh môi, bỏ bú hoặc bỏ ăn… Một số trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như nôn, chướng bụng, đi phân lỏng, khó thở, quấy khóc…
  • Phương pháp điều trị: Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giảm thiểu các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và xử trí kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh trẻ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt tiêm ngừa vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo giúp trẻ phòng tránh được nhiễm trùng hô hấp cùng các bệnh giao mùa khác.

9. Bệnh viêm phổi

  • Dấu hiệu nhận biết: Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở trẻ bị viêm phổi, tiếp đó là các dấu hiệu như sốt, ho, nghẹt mũi, đau bụng, đau tức ngực, nôn ói…
  • Phương pháp điều trị:  những trường hợp trẻ có triệu chứng nhẹ, trẻ cần được đi khám để đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ có thể hướng dẫn bố mẹ theo dõi, chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi bé xuất hiện các triệu chứng thở nhanh, mệt, sốt cao không đáp ứng thuốc điều trị, ăn uống kém, bỏ ăn… bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, đúng lịch; đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ, tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.

10. Bệnh sốt phát ban

Sốt phát ban thường gặp ở trẻ em, không nguy hiểm, có thể hết sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp, sốt phát ban có thể bùng phát thành dịch và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

  • Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng đặc trưng của sốt phát ban ở trẻ là sốt cao, có thể lên đến 39 – 39,5 độ C và nổi những nốt đỏ trên da, thậm chí có thể sưng. Một số triệu chứng khác gồm sưng mí mắt, chán ăn, tiêu chảy,…
  • Phương pháp điều trị: Khi có dấu hiệu bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám loại trừ các bệnh lý khác và được hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh chuyển nặng, bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời.
  • Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng sốt phát ban ở trẻ, do đó cách phòng ngừa bệnh tốt nhất là cho trẻ tránh xa các nguồn bệnh: cách ly trẻ khi lớp học có trẻ nhiễm bệnh, rửa tay sạch sẽ ngăn ngừa virus và bổ sung dinh dưỡng hoc ơ thể trẻ khỏe mạnh.

BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP Ở TRẺ KHI GIAO MÙA

Để phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ, biện pháp tốt nhất là tăng cường sức đề kháng, miễn dịch hô hấp của trẻ. Phụ huynh có thể áp dụng những bí quyết sau:

  • Giữ ấm cho trẻ: Cha mẹ nên giữ ấm đường thở cho bé trong mùa đông bằng cách mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đội mũ kín tai, đeo khẩu trang khi ra đường, ăn và uống đồ nóng,… để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
  • Vệ sinh thân thể và môi trường: Vi khuẩn, virus có thể tồn tại ở mọi nơi, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ. Để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ, cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh thân thể cho bé và tích cực giữ vệ sinh môi trường sống. Với trẻ lớn, cần rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân để bé tự chăm sóc bản thân kể cả khi không có cha mẹ ở bên.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ: Trẻ 0 – 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn để được phát triển toàn diện, có sức đề kháng trước nhiều bệnh tật. Nếu không có điều kiện, cha mẹ cũng nên cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2 – 3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch của bé. Với bé lớn, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm đa dạng để tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài bữa chính, cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm trái cây và nước trái cây. Những loại rau củ giàu vitamin và chất xơ, thực phẩm giàu kẽm,… rất có lợi cho hệ miễn dịch của trẻ vào thời điểm giao mùa;
  • Tiêm vắc-xin: Ngoài các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, cha mẹ có thể lựa chọn tiêm cho trẻ một số loại vắc-xin để phòng ngừa bệnh hô hấp. Nên tiêm vắc-xin phòng cúm, vắc-xin phế cầu để ngừa cúm và bệnh hô hấp do phế cầu gây ra, đặc biệt là viêm phổi.
  • Chú ý sức khỏe của trẻ: Nếu bé có biểu hiện bất thường như ăn uống ít, bú kém, bỏ bữa, sốt, nôn trớ, ngủ không ngon,… có thể bé đang bị bệnh, cần theo dõi chặt hơn và đưa đi thăm khám đầy đủ, điều trị đúng theo phác đồ được bác sĩ đưa ra.
  • Lưu ý khác: Cha mẹ không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, phụ huynh cũng không nên tự ý đặt khí dung cho trẻ tại nhà.

THỰC PHẨM NÊN DÙNG KHI GIAO MÙA

  • Các loại thực phẩm mọng nước và chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng. Đặc biệt cho những người bị sốt, trẻ em và người lớn tuổi sức đề kháng yếu: Ổi, cam, chanh, bưởi, kiwi, đu đủ, dâu, cà chua, ớt chuông, rau xanh,…
  • Đừng quên uống đủ nước khi giao mùa. Trẻ có cân nặng 10kg cần uống 1 lít nước mỗi ngày (kể cả lượng sữa mà bé uống vào). Đối với trẻ có cân nặng lớn hơn 10 kg thì mỗi kilogram cần tăng thêm 50ml nước cho trẻ. Và có thể dùng các loại thức uống để tăng vị giác như nước ép hoa quả, các loại trà…
  • Bổ sung tinh bột từ bắp và bí đỏ. Đây là hai loại thực phẩm chứa nhiều beta carotene, sẽ chuyển thành vitamin A khi cơ thể hấp thụ. Ngoài ra, chúng còn giàu magie, kali và phốt pho hỗ trợ tiêu hoá, chứa chất xơ không hoà tan hỗ trợ sự phát triển của lợi khuẩn, hạn chế táo bón và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

 

Hiện tại mầm non Clover Montessori đang tuyển sinh hệ mầm non từ 15 tháng đến 6 tuổi. Quý phụ huynh tìm hiểu chương trình học trực tiếp ở website: www.clover.edu.vn  hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/Clover.edu.vn/

CS1: 169-171 Đường số 5, KĐT Lake View City, P.An Phú, Q2, TP.HCM

CS2: A0.01-08, Scenic valley 2, KĐT Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phú, Q7, TP.HCM