fbpx

TẠI SAO TRẺ CLOVER CÓ THỂ GIỮ TRẬT TỰ TRONG LỚP NHƯ VẬY?

“Quy luật của tự nhiên là trật tự và khi trật tự tự thân hình thành chính là lúc chúng ta biết rằng mình đã bị cuốn vào trật tự của vũ trụ” – TS.BS Maria Montessori.
 
Lớp học tĩnh lặng bởi sự tập trung của trẻ khi làm việc cá nhân với giáo cụ
 
Trí tuệ của trẻ chứa đựng hàng nghìn ấn tượng giác quan được hấp thu từ môi trường sống xung quanh. Những ấn tượng này tạo ra một sự lộn xộn trong tâm trí của trẻ và cần được ưu tiên sắp xếp theo trật tự, nhu cầu này cấp bách hơn việc khám phá thêm những kiến thức mới. Maria Montessori hy vọng rằng trật tự cơ bản của Vũ trụ này sẽ được phản ánh trong lớp học, giúp trẻ tích hợp nó như một phần của bản năng, kết hợp với trí tuệ và trật tự bên trong của trẻ.
 
Tất cả các sinh vật đều có tính trật tự. Cơ thể con người chúng ta là một ví dụ, các cơ quan trong cơ thể tồn tại độc lập với nhau và đều có trật tự riêng. Do vậy, hỗ trợ tổ chức trí óc của trẻ chính là hỗ trợ cho sự phát triển trong cơ thể trẻ. Tuy nhiên, tổ chức công việc là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tính trật tự, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quá trình thiết lập trật tự tinh thần của trẻ.
 

1. Môi trường học tập mang tính trật tự

Phòng học tại Hệ thống trường mầm non Clover montessori bố trí không gian rộng rãi dành cho các hoạt động học tập với giáo cụ theo các mục tiêu được xác định rõ ràng. Giáo cụ được phân loại theo các lĩnh vực học tập và sắp xếp theo trật tự từ đơn giản đến phức tạp giúp trẻ dễ dàng lựa chọn giáo cụ thực hành. Giáo viên Montessori luôn đảm bảo cho trẻ một môi trường được chuẩn bị sẵn sàng: giáo cụ được bày trên kệ một cách bắt mắt và hoàn thiện để trẻ có thể hoàn thành một chu trình hoạt động mà không bị nhàm chán hay gián đoạn.
 
Thêm vào đó, việc đặt giáo cụ đúng nơi quy định góp phần tăng tính trật tự trong trẻ và hình thành ý thức giữ gìn trật tự trong môi trường lớp học. Khi giáo viên và trẻ nắm được nguyên tắc về giữ gìn tính trật tự chung của môi trường và thực hành thường xuyên sẽ hình thành một thứ mà Montessori gọi là sự hòa hợp giữa trẻ và môi trường. Trẻ trở nên thích thú với tính trật tự và biến nó trở thành một phần bản năng của mình, bất cứ điều gì diễn ra không đúng theo trật tự đó trẻ sẽ ngay lập tức đưa nó về đúng trật tự.
 
Đây chính là một trong những lý do khiến trẻ luôn cảm thấy dễ chịu và thư thái về mặt tinh thần khi theo học tại trường mầm non Clover Montessori.
 
 

2. Hướng dẫn thực hiện công việc chính xác

Các bài hướng dẫn của giáo viên Montessori luôn tuân theo trình tự: bắt đầu từ việc chọn ngồi bàn hay ngồi thảm, chọn giáo cụ từ các kệ, hướng dẫn thực hành trên chính giáo cụ đó và hoàn trả giáo cụ về đúng vị trí. Hướng dẫn giáo cụ chuẩn bị cho việc học đọc và viết tuân theo trình tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Giáo viên tuân theo những phân tích chuyển động của từng hoạt động, di chuyển chính xác và hướng dẫn từng trẻ theo phương pháp giống nhau để hình thành tính nhất quán giữa trẻ và giáo viên trong môi trường lớp học Montessori.
 
“Trên thực tế, nếu chúng ta hướng dẫn trẻ thực hiện một công việc nào đó một cách chính xác thì chính sự chính xác đó sẽ làm cho trẻ thích thú. Chúng tôi cho rằng tính trật tự và tính chính xác là chìa khóa để không ngừng phát triển trường học.” – Dr.Maria Montessori
 
Giáo viên có thể đưa ra sáng kiến sắp xếp lại lớp học để tạo ra môi trường sinh động dựa theo nhu cầu của trẻ. Trẻ trong lớp học Montessori sẽ bắt đầu nhận thức được những đặc điểm và tính chất khác nhau của những vật dụng quen thuộc.
 

3. Giáo cụ bổ sung tính trật tự

Giáo cụ Montessori không chỉ có chức năng giới thiệu cho trẻ những trải nghiệm mới mà còn bổ sung tính trật tự và hệ thống vào hàng nghìn những trải nghiệm mà trẻ đã và đang tiếp nhận. Vì vậy giáo cụ học tập cần thiết phải: Tối giản – đa dạng – thú vị – tạo cảm giác tự nhiên – thích hợp – an toàn.
 
Khi tìm hiểu về lĩnh vực giác quan, trẻ sẽ được học cách nhận biết số lượng, phân biệt màu sắc …Trẻ sẽ phân biệt được kích cỡ của đồ vật theo chiều dài, chiều rộng, chiều cao, độ dày. Trẻ sẽ được trải nghiệm để phân biệt các loại mùi vị, trọng lượng, các âm thanh và tiếng ồn. Tự nhiên ban cho trẻ khả năng tiềm ẩn và nhận thức nội tại không chỉ với các đồ vật mà còn về mối quan hệ giữa chúng để giúp trẻ nhận thức được toàn bộ môi trường trong đó có nhiều nhân tố tương tác lẫn nhau. Việc học tập môi trường như vậy giúp trẻ hình thành được nền móng để hòa nhập cuộc sống nơi mà các hoạt động hướng đến các mục tiêu cụ thể và rõ ràng.
 
Tuy nhiên, không chỉ riêng giáo cụ giác quan đem lại cho trẻ những khám phá về các loại trật tự khác nhau, mà giáo cụ ở các lĩnh vực khác cũng mang lại kết quả tương tự. Những giáo cụ đã được chọn lọc này đã hình thành nên một thứ được mô tả như là ‘mở đường cho văn hóa.
 
Mọi thứ trong lớp học đều được đặt đúng vị trí sẽ giúp trẻ rèn luyện giác quan, trẻ sẽ quan sát thế giới xung quanh và trải nghiệm thông qua việc phân loại và lựa chọn, từ đó dần hình thành nên thói quen trong tâm trí. “Cùng với sự hình thành từ từ của quá trình nhận thức và mong muốn được tìm hiểu, trí óc trẻ thôi thúc thiết lập trật tự và sự rõ ràng trong tâm trí để phân biệt những điều cần thiết từ những điều ngẫu nhiên.” – Dr.Maria Montessori
 
Không gian lớp học Clover Montessori
 

4. Ý thức trật tự trong trẻ

Trong những năm phát triển đầu đời trẻ sẽ quan tâm đến hai loại trật tự: trật tự bên trong và trật tự bên ngoài. Trật tự bên ngoài là mối liên hệ giữa trẻ và môi trường sống xung quanh; trật tự bên trong giúp trẻ phân biệt được các bộ phận khác nhau trên cơ thể và các vị trí tương ứng. Loại nhạy cảm này có thể được gọi là ‘nội hướng’.
 
Những điều học được từ khi còn là một đứa trẻ sẽ định hướng và đồng hành cùng sự phát triển của mỗi người trong suốt cuộc đời. Động cơ đầu tiên để học là do tự nhiên ban tặng trong giai đoạn nhạy cảm đầu đời và gắn kết với tính trật tự.
 
Trẻ được tự nhiên ban tặng khả năng cảm nhận từ các giác quan đặc biệt thậm chí trước khi trẻ có khả năng tự đi lại tự do, đây chính là giai đoạn quan trọng để hình thành tính trật tự. Dấu hiệu này có thể được nhận biết khi trẻ nổi cáu do có khó khăn hay chướng ngại vật cản đường, nhưng sau khi chướng ngại vật đó được loại bỏ trẻ sẽ lại trở về trạng thái bình lặng.
 
Giai đoạn nhạy cảm hình thành tính trật tự bắt đầu được bộc lộ khi trẻ lên 2 tuổi và kéo dài trong vòng 2 năm, đáng chú ý nhất là năm trẻ 3 tuổi. Giai đoạn nhạy cảm hình thành tính trật tự tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của trẻ và định hướng trẻ trong môi trường sống. Trẻ theo học lớp Montessori được trang bị những quy tắc định hướng nền tảng từ môi trường xung quanh mà sau này trẻ sẽ làm chủ nó. Trí tuệ thẩm thấu của trẻ được hình thành bởi môi trường sống do đó những hướng dẫn phải được đưa ra một cách chính xác và được định hướng rõ ràng.
 
Trẻ được hướng dẫn từ giai đoạn nhạy cảm hình thành tính trật tự cảm thấy thích thú khi nhìn thấy các đồ vật được đặt đúng vị trí. Trẻ ở độ tuổi này thích chơi trò trốn tìm: mỗi trẻ trong nhóm lần lượt đi trốn ở cùng một vị trí và tỏ ra rất thích thú khi được bạn của mình đã biết trước mình trốn ở đâu có thể tìm thấy.
 
Làm cha mẹ, chúng ta nên biết và chia sẻ cùng con trong giai đoạn nhạy cảm với trật tự. Các bậc phụ huynh sẽ thấy trẻ không hài lòng khi sự vật, sự việc không được đặt đúng theo thứ tự nhất định như thường lệ. Trẻ mong muốn người khác “cứ làm như mọi khi” và nếu người lớn làm khác với ngày thường là trẻ sẽ dễ nổi cáu. Vào thời kì này trẻ vô cùng quan tâm đến “thứ tự – vị trí – vật sở hữu – thói quen”.
 
Việc người mẹ biết hay không biết trạng thái này của con tại thời kỳ mẫn cảm về cảm nhận trật tự sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn trong quá trình nuôi dạy trẻ. Ví dụ một câu chuyện để phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về trật tự của trẻ: “Một cậu bé nhất định làm bằng được những việc như sau trên đường tới trường: Cậu bé ra khỏi nhà sẽ gặp một biển báo giao thông cao tầm người của cậu. Đầu tiên, cậu sẽ vỗ tay vào biển báo, trên đường đi cậu thả viên đá để rơi xuống nước, cuối cùng, cậu chào chú mèo lấp dưới hàng rào. Hôm nay, vì mẹ bận đi làm nên mẹ cậu đi đường ngắn hơn và cậu đã giận dữ rồi khóc, cuối cùng mẹ của cậu đã phải quay lại về nhà và cho cậu đi con đường vẫn hay đi để cậu được vỗ tay vào biển báo, thả viên đá xuống nước và chào chú mèo dưới hàng rào.” Ba mẹ có con trong giai đoạn 2 – 4 tuổi có thể sẽ nhận thấy tình huống “quen quen” tương tự với con yêu của mình?
 
Nếu không có cảm nhận về thời kỳ nhạy cảm trật tự của trẻ, hẳn mẹ đã mắng bé: “Hôm nay mẹ vội lắm nên con chịu khó đi đường này đi” và cho bé đi đường gần hơn. Nhưng chỉ với một việc đơn giản như thế cũng có thể làm cho vết thương lòng của trẻ không được chữa lành, trẻ sẽ trong tâm trạng hờn dỗi và nhìn trẻ với tâm trạng này chỉ làm cho mẹ thêm phần bực bội.
 
 
Montessori đã từng nói: Với trẻ, trật tự có vai trò tương tự như việc chúng ta cần móng để xây nhà, hay cá cần nước để bơi. Trong suy nghĩ của trẻ những vấn đề đó có giá trị ngang với “móng nhà” mà không chỉ đơn thuần là đi con đường tắt đến trường. Phần lớn phụ huynh chúng ta chưa biết về những bí mật ẩn sâu trong trái tim của trẻ. Tuy nhiên chỉ cần chúng ta hiểu rằng: trẻ có nhu cầu được sống và được thỏa mãn thì chúng ta sẽ nhận ra và phân biệt những cảm xúc đặc trưng được biểu hiện trong những hoàn cảnh cụ thể của trẻ.
 
“Việc tìm kiếm một điều gì đó không ở đúng vị trí được xem như một loại kích thích khuyến khích hoạt động. Tính trật tự là một trong những nhu cầu của cuộc sống và đương nhiên khi nhu cầu đó được thỏa mãn sẽ tạo ra một niềm vui sướng thực sự.”- Dr.Maria Montessori
 
Nhu cầu về tính trật tự của trẻ có thể được thỏa mãn ở nhà thông qua việc sắp xếp môi trường xung quanh một cách nhất quán, lặp lại và có tổ chức, hình thành những thói quen hàng ngày và thiết lập những nguyên tắc cơ bản.
 
Sự nhất quán liên quan đến trật tự trong môi trường xung quanh, tính tuần tự nhất quán của những hoạt động thường ngày tại trường, sự nhất quán của người giáo viên và nhất quán trong lời nói của cô. Những trải nghiệm liên tiếp về tính nhất quán sẽ giúp trẻ thiết lập trật tự nội tại ngoài góp phần hình thành tính tự lập, tự tin và thích nghi với môi trường của trẻ.
 
– Cô Hồ Thị Như Khuyến – Giáo viên Montessori Cơ sở Thủ Đức –
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.