“Đừng bao giờ giúp đứa trẻ việc mà nó cảm thấy mình có thể thành công” – TS. BS Maria Montessori.
Cha mẹ đôi khi vì quá thương yêu trẻ mà không nhận ra sự giúp đỡ của mình đang cản trở sự phát triển của con. Có những việc mà đứa trẻ muốn làm, muốn tự mình thực hiện, hãy vui lòng để chúng được làm điều đó trong sự hướng dẫn, giám sát của cha mẹ. Có thể cha mẹ nhận ra chúng sẽ làm rất chậm chạp mất thời gian hoặc sẽ thất bại thôi. Nhưng không sao, chúng sẽ vui vẻ đứng lên sau thất bại đó đến khi có thể thành thục một công việc mà chúng yêu thích. Điều này gián tiếp làm cho đứa trẻ độc lập hơn, tự tin hơn và hoàn thiện thêm những kỹ năng mới đấy cha mẹ ơi!
Đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ tự lập, tự tin
Nếu có ai hỏi bạn: Bạn tin tưởng con mình bao nhiêu phần trăm trong việc tự làm các hoạt động cá nhân như cởi giày, mặc quần áo, rửa mặt…? Chắc hẳn chúng ta sẽ lưỡng lự trong vòng xoáy các câu hỏi tự vấn như: Làm sao con làm được? Làm bằng cách nào cho nhanh? Đợi chờ con làm việc có cần thiết không?… Và đến với Clover Montessori đủ lâu, bạn sẽ dần tìm được câu trả lời, cuối cùng là dành 100% sự tin tưởng cho con.
Trong những năm đầu đời, những đứa trẻ luôn chứng minh một điều rất tuyệt vời đó là “tự mình làm được”. Bằng chứng là trẻ biết lật, bò, đứng, đi… Đây hoàn toàn là sự phát triển tự nhiên và trẻ có khả năng làm được điều này nhờ “người thầy nội tại” bên trong dẫn dắt con. Người thầy này sẽ chỉ cho con biết, thôi thúc con sẽ làm gì cho mỗi giai đoạn để đạt được một kỹ năng nhất định. Việc của cha mẹ là luôn đồng hành, quan sát con đủ và hỗ trợ tạo dựng cho con một môi trường an toàn, đủ khích lệ bao dung để tự con vượt qua mọi thử thách.
Không chỉ xây dựng những chương trình học thuật chỉn chu cho trẻ, Clover Montessori còn đặc biệt chú trọng giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ. Những kỹ năng này được tích hợp trong tất cả các phân môn thông qua các quy trình trong lớp học. Sau nhiều lần trẻ được rèn luyện lặp đi lặp lại các hoạt động, trẻ sẽ tạo được vòng lặp hành vi và hình thành nên thói quen tốt. Trẻ độc lập hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân một cách tốt nhất, bởi bố mẹ không thể luôn bên cạnh, lo lắng cho trẻ suốt đời. Vậy nên hãy dành cho con cơ hội được rèn tính tự lập ngay từ nhỏ.
Tập cho con mang giày không khó
Học cách tự cởi giày là một phần quan trọng trong việc học để trở nên độc lập hơn. Quá trình này có thể mất đến hàng tháng và cần lặp đi lặp lại nhiều lần mới có thể thành công và hình thành kĩ năng cho trẻ được. Vì vậy, điều chúng ta cần làm lúc này là hãy kiên nhẫn chờ đợi, quan sát trẻ cởi giày một cách chậm chạp và đừng bao giờ tước đi cơ hội để trẻ khám phá các kiến thức ẩn chứa sau những hoạt động con đang thực hiện. Nếu người lớn chúng ta trong tâm thế vội vã, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi thấy con đang loay hoay thì điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta đang không thừa nhận khả năng của trẻ.
Cởi giày – tuy là một việc nhỏ (với người lớn có thể là việc “không đáng gì” để phải bận tâm) không chỉ giúp trẻ tự tin, độc lập hơn mà còn giúp trẻ phát triển nhận thức và kỹ năng khác. Để cởi được giày, trẻ cần có sự phối hợp khéo léo giữa vận động tinh và vận động thô. Vận động từ các nhóm cơ lớn đến các nhóm cơ nhỏ, phải có nhận thức về cơ thể, sự phối hợp hai phía của cơ thể sao cho nhịp nhàng nhất, trẻ phải biết phân biệt phải – trái, tư thế phải ổn định, vững vàng, giữ thẳng bằng, rèn luyện tính kiên nhẫn của chính con, hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ…
Khi trẻ được 12 tháng tuổi, trẻ đã có thể cởi giầy nếu được hỗ trợ tháo dây giày. Trẻ 72 tháng đã biết tháo và buộc dây giày một cách thành thạo.
Có bao giờ ba mẹ thắc mắc, tại sao bé nhà mình lại thường xuyên sắp xếp lại kệ giày ở trong nhà? Thực chất đó không phải là công việc vô bổ hay là con đang nghịch ngợm những đôi giày của ba mẹ đâu. Vấn đề của con nằm ở chỗ, con đang rơi vào thời kỳ nhạy cảm về trật tự. Trong phương pháp Montessori có đề cập rất nhiều đến “Thời kỳ nhạy cảm” của một đứa trẻ, trong đó có thời kỳ nhạy cảm về trật tự (thông thường rơi vào khoảng từ 2-4 tuổi). Khi trẻ rơi vào thời kỳ này, trẻ sẽ rất hào hứng và khao khát được làm việc một cách có trật tự. Vì vậy, lúc này điều người lớn cần làm đó chính là tuân thủ các quy trình khi cởi giày để trẻ có thể quan sát và thực hiện lặp lại thường xuyên.
Sự đồng hành kiên nhẫn của người lớn giúp trẻ phát triển vượt bậc
Lưu ý khi hướng dẫn cho trẻ cởi giày, cần thống nhất các trình tự thực hiện. Hạn chế tối đa việc thay đổi thứ tự các bước vì điều này sẽ làm trẻ bị rối và không đúng với trật tự trong con. Các thành viên trong gia đình cũng nên hội ý và lựa chọn chỗ để giày nhất quán để luyện cho trẻ đi cất đúng nơi quy định, điều này giúp bé hình thành thói quen ngăn nắp trong tương lai.
Bên cạnh đó, trẻ cần có thời gian để trải nghiệm và tự thực hiện cởi giày theo từng bước. Khi trẻ có cơ hội làm việc, trẻ sẽ tự tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và khi càng lớn thì con thực hiện càng nhuần nhuyễn và với tốc độ nhanh hơn. Người lớn chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, khuyến khích để trẻ có thêm động lực làm việc. Nên kiên định, kiên nhẫn với trẻ, quan sát và hỗ trợ trẻ khi cần thiết để trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất.
Khi đã hiểu những nguyên lý và lợi ích từ việc hình thành thói quen trật tự, tự lập của trẻ, chắc chắn Cha mẹ sẽ bao dung hơn với sự “chậm chạp” khởi đầu của con. Thay vì nóng ruột và khó chịu, hãy vui vẻ và kiên nhẫn đồng hành cùng con và tự hào vì còn đang trong quá trình trưởng thành về mọi mặt.
– Cô Bích Ngọc – Giáo viên Montessori Cơ sở Phú Mỹ Hưng –
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.