fbpx

TẠI SAO CLOVER CHO TRẺ SỬ DỤNG CÁC ĐỒ DÙNG THẬT VÀ CÓ CHẤT LIỆU ‘NGUY HIỂM’?

Khi nhìn vào kệ giáo cụ của một lớp học Montessori, nhiều phụ huynh không khỏi ngạc nhiên khi hầu hết đều là các đồ vật thật thu nhỏ, làm bằng chất liệu tự nhiên và có vẻ “thiếu an toàn” cho trẻ nhỏ như: đất, gốm sứ, thủy tinh, dao, kéo…?
 
Hàng trăm bộ giáo cụ đa dạng trong một lớp học Montessori
 
“An toàn cho trẻ nhỏ” là khái niệm đảm bảo rằng môi trường, đồ chơi, thức ăn và các hoạt động được thiết kế và tổ chức sao cho không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. Điều này bao gồm việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi đùa, ăn uống, ngủ nghỉ và tham gia các hoạt động khác.
 
An toàn với trẻ được phân loại thành hai mặt, an toàn về thể lý và an toàn về tâm lý. “An toàn về thể lý” đối với trẻ nhỏ đảm bảo rằng trẻ không gặp nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của mình trong quá trình sinh hoạt và hoạt động. Điều này bao gồm việc đảm bảo an toàn khi trẻ chơi đùa, leo trèo, tập thể dục và tham gia các hoạt động khác. Còn “an toàn về tâm lý” đảm bảo rằng trẻ nhỏ không gặp nguy hiểm đến sức khỏe tâm lý, tinh thần của mình. Điều này bao gồm việc đảm bảo môi trường xung quanh trẻ là an toàn, không có sự bạo lực, lạm dụng hay bất cứ hành vi nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất về mặt tâm lý, giúp trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng xã hội và tinh thần.
 
Đứa trẻ an toàn là đứa trẻ “phản ứng hợp lý” với những tình huống, môi trường nguy hiểm. “Phản ứng” với những tình huống được xem là “bất an toàn” chứ không phải “hiểu” về an toàn, vì để phản ứng hợp lý thì cần phải “biết”, “hiểu” và “giải quyết” tình huống nguy hiểm qua trải nghiệm để hình thành kỹ năng hướng đến sự an toàn. Và chính góc Practical life – giáo cụ và môi trường để thực hành hoạt động thường thức, sẽ cho trẻ kỹ năng an toàn trong các hoạt động tự lập. Môi trường mà Clover chuẩn bị cho các con không phải là môi trường với sự bảo bọc từ thể lý đến tâm lý, mà là môi trường “chứa đựng hiểm nguy”, nhưng những hiểm nguy đã được “an toàn hóa”. Ví dụ: Dao răng cưa bọc sứ cho những trải nghiệm cắt/gọt được thị phạm kỹ lưỡng, chậm rãi và hợp lý… Sự chính xác đã giúp cho trẻ phản ứng một cách “an toàn” trước những tình huống được xem là “bất an toàn”… Hãy nhìn Trẻ Clover bình tĩnh cắt từng khoanh chuối, gọt vỏ củ cà rốt bằng con dao bọc sứ nhấn răng cưa, với khoảng cách giữa tay tay và dao đủ để cho lực của các ngón tay tác động chính xác đến vật muốn cắt mà không xảy ra sự cọ xát giữa dao và tay. 
 
Trẻ tại Clover luôn bị cuốn hút vào góc Thực hành cuộc sống
 
Việc sử dụng chén sứ hay dĩa thuỷ tinh trong lớp cũng là cách các con có thể khám phá các chất liệu xung quanh thông quá các giác quan, cân chỉnh được lực tay, chân hay nhịp bước để phối hợp các cơ trên toàn bộ cơ thể một cách nhịp nhàng để có thể giữ cho canh không đổ, cơm không rơi khi di chuyển. Nếu có lỡ con làm rơi vỡ thì đây cũng chính là cơ hội để giáo viên giúp con lĩnh hội kiến thức khi biết đâu là chất liệu có thể vỡ, phát ra âm thanh gì, có nguy hiểm hay không. Và lúc này tín hiệu “nguy hiểm” được các cô phát ra một cách cụ thể, chân thật và trẻ hoàn toàn hiểu được. Đó chính là cách giúp các con nhận diện nguy hiểm, cao hơn là đương đầu và giải quyết các mối nguy ấy. 
 
Trẻ có kỹ năng sử dụng các giáo cụ đặc biệt một cách khéo léo
 
Hơn thế môi trường xung quanh với nắng, gió, bụi, vi khuẩn,… nhưng việc cho trẻ tiếp xúc một cách vừa đủ, có chuẩn bị về mặt thể chất/tinh thần thì chính tại môi trường đó, trẻ sẽ trải qua tình huống “nguy hiểm trong kiểm soát”, trẻ sẽ hình thành kỹ năng tự bảo vệ như đeo khẩu trang, bao tay/áo/nón bảo hộ… Mặc áo phao khi tham gia giao thông miền sông nước hay seatbelt khi tham gia giao thông đường không, đường bộ …những kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng để hình thành thói quen là cả một vấn đề… Clover luôn khai thác những “nguy hiểm” trong thao tác giáo cụ để trẻ trải nghiệm tình huống nguy hiểm trong an toàn một cách khéo léo, có chọn lọc, việc cho trẻ sử dụng vật dụng ăn là sành sứ, thủy tinh đã giúp trẻ đối diện với tình huống đổ bể để hình thành kỹ năng tập trung, chú ý và khéo léo hơn… Trẻ Clover đã biết mang tay phao, áo phao khi xuống hồ bơi, cài dây an toàn khi ngồi ô tô…và trong nhiều trường hợp, biết tránh xa vùng nguy hiểm cũng là một cách để được an toàn. Từ đó, tư duy đối diện hay phản diện (tránh xa vùng nguy hiểm) được hình thành một cách tự nhiên ngang qua tình huống trải nghiệm bền bỉ, thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. 
 
Tác giả: Trần Kim Dung – Hiệu trưởng cơ sở Phú Mỹ Hưng
Biên tập: Trần Hồng Nhung 
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.