fbpx

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC “NGƯỢC” TRUYỀN THỐNG, GIEO GÌ CHO TRẺ MẦM NON? 

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại và thị trường lao động ngày càng đa dạng, các nước châu Á cần cân nhắc kết hợp giữa giáo dục truyền thống và các phương pháp giáo dục tiên tiến, nhằm phát triển toàn diện các khía cạnh của học sinh và tạo ra một môi trường học tập đổi mới, sáng tạo. 
 
Khi nhắc đến giáo dục theo phương pháp truyền thống, mà cụ thể là các nước Châu Á có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…, hầu hết chuyên gia giáo dục và cả người dân trên thế giới đều công nhận một số ưu điểm nổi bật như: Nền tảng kiến thức vững chắc, Kỷ luật và trật tự, Tập trung vào giáo viên, Tính bền vững và Thành tích học tập cao. 
 
Tuy nhiên, các phương pháp giáo dục truyền thống ở châu Á thường tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, thi cử và nhấn mạnh vào kết quả học tập. Trong xã hội hiện đại ngày nay, phương pháp này ngày càng thể hiện những hạn chế nhất định như: Thiếu sự linh hoạt, Thiếu tương tác và trải nghiệm thực tế, Chú trọng kết quả hơn quá trình, Thiếu phát triển kỹ năng mềm và thậm chí thiếu tiếp cận công nghệ. Điều này hạn chế sự tiếp cận của học sinh đến nguồn tài nguyên giáo dục phong phú trên mạng và khả năng phát triển kỹ năng công nghệ. 
 
Nền giáo dục Châu Á: vẫn nặng nề với chiếc cặp quá khổ (Theo: Petrotimes)
 
Để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại và thị trường lao động ngày càng đa dạng, các nước châu Á cần cân nhắc kết hợp giữa giáo dục truyền thống và các phương pháp giáo dục tiên tiến, nhằm phát triển toàn diện các khía cạnh của học sinh và tạo ra một môi trường học tập đổi mới, sáng tạo. 
 
Trên thế giới hiện nay, thế hệ cha mẹ trẻ đang ngày càng chú trọng tới các phương pháp giáo dục tiên tiến, đôi khi được gọi là “ngược” phương pháp truyền thống như: Montessori, Reggio, Steiner, Harkness… Vậy các phương pháp giáo dục mới này có ưu điểm gì vượt trội? 
 

1. Phương pháp Montessori

 
Phương pháp giáo dục Montessori là một phương pháp giáo dục được tạo ra bởi bác sĩ Maria Montessori vào đầu thế kỷ 20. Montessori phủ nhận quan điểm xem trẻ con như tờ giấy trắng và cho rằng phương pháp dạy học truyền thống đang giới hạn sự phát triển của trẻ bởi những giáo trình rập khuôn và phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Thay vào đó, bà tin rằng mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có bản năng tiếp thu riêng và có khả năng tự định hướng học tập cho mình. Lớp học không phân chia cấp học, không kiểm tra hoặc bất kỳ loại bài tập nào để tránh môi trường học tập cạnh tranh.
 
Phương pháp này tập trung vào việc giúp trẻ em tự học và phát triển bản thân thông qua việc cung cấp cho trẻ những môi trường học tập và đồ chơi phù hợp với khả năng của trẻ.Trong phương pháp này, giáo viên không chỉ là người chỉ dạy mà còn là người hướng dẫn và giúp đỡ trẻ em trong quá trình học tập. Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ, giáo viên đóng vai trò Người hướng dẫn. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại.
 
Phương pháp Montessori được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới và được đánh giá cao về tính hiệu quả trong việc giúp trẻ em phát triển toàn diện.  
 
Năm 2006, một nghiên cứu đã so sánh chất lượng học sinh trường áp dụng phương pháp Montessori và không áp dụng, cho thấy trẻ được học phương pháp giáo dục Montessori có khả năng tương tác xã hội và kỹ năng học tập tốt hơn. Hai trong những nhân chứng cho hiệu quả của phương pháp học này chính là hai nhà sáng lập nổi tiếng của Google – Sergey Brin và Lawrence Page.
 
Lớp học tại Clover Montessori với hệ thống giáo cụ đặc trưng
 

2. Phương pháp Reggio Emilia

 
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia được phát triển bởi nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi. Đây là phương pháp được thiết kế dành riêng cho việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi 3 – 6. Triết lý giáo dục của ông dựa trên niềm tin rằng trẻ em là những cá thể tài năng, thích khám phá và luôn tự tin để chinh phục thử thách.
 
Vì thế, chúng hoàn toàn có thể phát triển trong môi trường tự học, nơi sự tôn trọng được thể hiện ở cả thầy và trò. Reggio Emilia lấy trẻ làm trung tâm và hướng trẻ tự do khám phá môi trường xung quanh, tự do khám phá thế giới trong môi trường học tập mở. Môi trường học tập này được xây dựng dựa trên nền tảng của sự lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của trẻ. Trong môi trường học tập mở, trẻ được khuyến khích chủ động đưa ra các câu hỏi, bày tỏ nghi vấn, sự tò mò để cảm nhận và khám phá sự thay đổi không ngừng của thế giới xung quanh.
 
Bên cạnh đó, trẻ có cơ hội để tham gia các hoạt động vui chơi một cách tự giác, tích cực. Từ đó trẻ có thể tự học và lĩnh hội các kiến thức bằng trải nghiệm của bản thân, đồng thời nâng cao khả năng tư duy, hoàn thiện các kỹ năng và giải quyết mọi vấn đề gặp phải.  
 
Phương pháp Reggio khuyến khích trẻ tự do khám phá trong môi trường học tập mở
 

3. Phương pháp Waldorf

 
Phương pháp giáo dục Steiner ra đời từ năm 1919 do nhà giáo dục, triết gia người Áo Rudolf Steiner sáng lập. Ngôi trường đầu tiên theo phương pháp này được thành lập tại Đức với tên gọi là Waldorf Dựa trên triết lý của Rudolf Steiner, phương pháp này tập trung vào việc phát triển toàn diện các khía cạnh cảm xúc, trí tuệ và thể chất của trẻ. Học tập thông qua hoạt động nghệ thuật, thủ công, ngoài trời và trải nghiệm thiên nhiên.
 
Trong những ngôi trường Steiner, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn để học sinh được học hỏi, khám phá bằng tất cả sự vui thích. Hoàn toàn không sử dụng đến uy quyền, hay áp đặt, phán xét. Các môn học ở Steiner cũng đa dạng, phong phú, không chỉ tập trung vào các môn vẫn được xem là “môn chính” như khoa học, ngôn ngữ, toán học mà còn có kịch nghệ, thủ công, hội họa, điêu khắc… Lấy cảm hứng từ các kiến thức Nhân loại học, triết gia và nhà khoa học người Áo Rudolf Steiner đã phát triển mô hình giáo dục dựa trên giả thuyết rằng con người đạt đến sự thông thái khi tự mình khám phá những bí ẩn sâu trong tâm trí.
 
Phương pháp giáo dục của ông tập trung vào sự phát triển đa diện – gồm thể chất, tâm hồn và trí tuệ – để giúp trẻ phát triển toàn diện.  Phương pháp giáo dục Steiner vẫn đang được áp dụng trên toàn thế giới trong suốt gần 100 năm qua.   
 
Các môn học ở Steiner đa dạng, phong phú như: thủ công, hội họa…
 
 

4. Phương pháp giáo dục Harkness

 
Đây là phương thức học tập đổi mới đến từ đại gia dầu mỏ Edward Harkness. Phương pháp này tập trung vào việc thúc đẩy sự tham gia của học sinh trong quá trình học tập. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi tại các trường trung học tư thục ở Hoa Kỳ. Phương pháp giáo dục Harkness là một phương pháp dạy học dựa trên sự thảo luận và tương tác giữa học sinh và giáo viên.
 
Phương pháp này được áp dụng lần đầu tiên tại trường Phillips Exeter Academy ở Mỹ vào năm 1930, khi nhà tài trợ Edward Harkness quyên góp 5,8 triệu đô la để xây dựng các bàn học nhóm cho học sinh. Mục tiêu của phương pháp Harkness là khuyến khích học sinh phát triển kỹ năng phê bình, phân tích, tự học và hợp tác. Giáo viên không đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà là người hướng dẫn và thúc đẩy học sinh tham gia vào cuộc trao đổi ý kiến.
 
Phương pháp Harkness được coi là một đặc trưng của nền giáo dục tự do và sáng tạo. Phương pháp giáo dục này không phát triển dựa trên một chương trình hay một học thuyết cụ thể, mà tập trung vào cách sắp xếp lớp học để tạo môi trường tương tác hiệu quả. Đặc điểm chính của phương pháp này là chiếc bàn tròn lớn được đặt ngay giữa lớp học. Học sinh và giáo viên sẽ ngồi xung quanh chiếc bàn và thảo luận phân tích cùng nhau về bất kỳ đề tài nào, từ toán học cho đến lịch sử. Phương pháp học này thoát ly khỏi phương pháp “bảng đen phấn trắng” nhàm chán. 
 
Đặc điểm chính của lớp học Harkess là chiếc bàn tròn lớn được đặt ngay giữa lớp học
 
 

5. Phương pháp giáo dục Sudbury

 
Đây là một hình thức giáo dục tự do, trong đó học sinh được quyền quyết định về nội dung, phương thức và thời gian học tập của mình. Học sinh không bị ép buộc theo một chương trình hay lịch học cố định, mà được khuyến khích khám phá những lĩnh vực mà họ quan tâm và có đam mê. Học sinh cũng được tham gia vào việc quản lý trường học và giải quyết các vấn đề xảy ra trong cộng đồng học tập. Phương pháp giáo dục Sudbury nhằm tôn trọng sự tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm của học sinh, giúp họ phát triển toàn diện về năng lực và nhân cách.
 
Phương pháp Sudbury áp dụng quan điểm tôn trọng quyền cá nhân và tính dân chủ vào mô hình giáo dục. Tại đây, học sinh có toàn quyền chọn môn học và cách học, cũng như toàn quyền chọn cách được đánh giá học lực. Vào buổi họp toàn trường mỗi tuần, học sinh sẽ bỏ phiếu để quyết định các quy định kỷ luật, các chi tiêu từ quỹ, cả việc chọn và sa thải nhân viên của nhà trường. Mọi học sinh, giáo viên và công nhân viên của trường đều có quyền biểu quyết bình đẳng.
 
Triết lý hoạt động của Sudbury tin rằng học sinh có khả năng tự ra quyết định, và chịu trách nhiệm với chính những quyết định của mình. Mô hình trường học “dân chủ” không phân học sinh theo cấp học. Các học sinh được học trong môi trường hợp tác, nơi các học sinh lớn hơn có thể chỉ dẫn cho đàn em của mình trong suốt quá trình học. 
 
Năm phương pháp giáo dục nêu trên cùng một số phương pháp tiên tiến trên thế giới ngày nay tuy có khác nhau về cách thức thực hiện, cách vận hành nhưng tựu chung lại đều hướng đến trẻ em làm trung tâm của giáo dục. Bình đẳng, tự do, tôn trọng là những điều cốt lõi dễ nhận thấy nhất trong các lớp học “ngược truyền thống” này. Mong rằng với những thông tin cơ bản về một số phương pháp giáo dục tích cực mà Clover Montessori đã giới thiệu trong bài, các bậc cha mẹ có thêm nguồn kiến thức để lựa chọn cho con mình phương pháp phù hợp nhất với thiên tư của trẻ cũng như định hướng của gia đình. 
 
 – Trần Hồng Nhung – 
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.