fbpx

BÀI HỌC 3 BƯỚC – KỸ THUẬT XÂY DỰNG KHÁI NIỆM HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI

Trong phương pháp Montessori, việc xây dựng cho trẻ một khái niệm mới, kỹ thuật hiệu quả nhất và tối ưu cho mọi lĩnh vực môn học đó là: Bài học 3 bước. 
 
Quy trình thực hiện Bài học 3 bước chuẩn Montessori
 
Phương pháp Montessori là một phương pháp giáo dục tiên tiến hiện phát triển trên 100 quốc gia, được phát triển bởi Bác sĩ – Nhà giáo dục người Ý Maria Montessori. Phương pháp Montessori cho phép trẻ được tiếp cận với mọi khái niệm qua một quy trình tự nhiên nhưng chặt chẽ và hiệu quả đạt được tốt nhất. Đặc biệt, đối với việc xây dựng cho trẻ một khái niệm mới, kỹ thuật hiệu quả nhất và tối ưu cho mọi lĩnh vực môn học đó là : Bài học 3 bước. 
 
Ban giám hiệu và các chuyên gia Montessori thuộc Hệ thống mầm non Clover Montessori đã xây dựng 100% giáo án cho từng bộ giáo cụ với quy trình bài học chi tiết, chặt chẽ. Trong đó, không thể thiếu kỹ thuật bài học 3 bước khi giới thiệu các khái niệm mới cho trẻ. Giáo viên – Người hướng dẫn Montessori luôn tuân thủ thực hiện hướng dẫn trẻ theo quy trình đến việc học thông qua giáo cụ đều áp dụng bài học 3 bước. Thông qua hệ thống giáo cụ, trẻ sẽ nhận biết – hiểu và nắm bắt các khái niệm tốt nhất và có sự ghi nhớ ứng dụng thực tế trong thời gian sau đó.
 

Thực hiện bài học 3 bước như thế nào?

Bước 1 – Giới thiệu
 
Đây là bước liên kết nhận thức một sự vật (hay hiện tượng) với tên gọi hay khái niệm về nó. Cô sẽ phát âm rõ ràng tên của từng vật một trước mặt trẻ. Lời giới thiệu của cô thường sẽ rất ngắn gọn,  rõ ràng, nhấn mạnh vào từ ngữ/khái niệm trẻ cần học. Khi nói, cô sẽ bình tĩnh khi giới thiệu, nói chậm rãi và vừa nói vừa chỉ vào vật.
 
Các khái niệm được giới thiệu luôn bắt đầu với danh từ và tính từ. Ví dụ: “Đây là màu vàng”, hoặc “Thế này là mượt”, “Thế này là nhám”,… Trong quá trình thị phạm, cô có thể mời trẻ phát âm chính xác từ vựng cho khái niệm mới đó.
 
Cô thị phạm hướng dẫn trẻ nắm khái niệm mới trên giáo cụ
 
Bước 2 – Trải nghiệm
 
Đây là bước trẻ nhận ra vật có liên hệ với tên gọi của nó. Cô sẽ đưa ra cái tên và trẻ nhận ra tên này ứng với vật nào trong số ba vật trước mặt nhằm tạo ra mối liên hệ giữa kinh nghiệm đã có của trẻ về vật thật và cái tên. Cô thực hiện việc này dưới dạng hướng dẫn đơn giản luôn chứa cái tên trong câu nói.
 
Việc giới thiệu này kích hoạt cả thể chất và tinh thần của trẻ trong khi sử dụng ngữ âm của bài học. Trẻ phải nhớ lại kinh nghiệm và liên hệ nó với điều mới học: cái tên – khái niệm. Có khi từ vựng không phải là mới vì trí tuệ thấm hút của trẻ đã hấp thụ cái tên, vào lúc này điều mới là mối liên kết giữa từ vựng và khái niệm mà nó đại diện.
 
Bước này thường phải kéo dài đủ lâu để trẻ xây dựng lòng tự tin đồng thời trải nghiệm lặp lại nhiều lần để cái tên cố định vào tâm trí trẻ. Giáo viên thông thường sẽ tổ chức dưới dạng trò chơi nhỏ và có thể thay đổi trò chơi, nhưng không quá khó nhằm khích lệ trẻ hoàn thành đúng. Có thể chỉ cần yêu cầu trẻ chỉ ra vật ứng với tên, như “Đâu là màu xanh dương?”, hay yêu cầu trẻ di chuyển vật “Đưa cô thẻ màu vàng nào!” hay “Đặt hình tròn ở đây!” …
 
Trẻ có thể làm sai là hết sức bình thường vì trẻ đang trong quá trình học. Nếu trẻ đã đủ tự tin cô có thể tăng tốc độ trò chơi. Nếu trẻ không tập trung, không muốn chơi, trẻ mắc nhiều lỗi, nghĩa là trẻ chưa trải nghiệm đủ với vật, trẻ chưa sẵn sàng, khi đó cô sẽ cùng trẻ dọn đi và hẹn sẽ thử lại vào một ngày khác.
Điều quan trọng nhất trong bước này đó là không được sửa trẻ “Không, con sai rồi” thì sẽ tác động tới tinh thần của trẻ hơn là từ vựng trẻ nên học. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ im lặng khi trẻ làm sai và chỉ nhắc lại từ vựng/khái niệm đúng thì nhận thức của trẻ không bị tổn thương và bài học lần tiếp theo sẽ tác động chồng lên bài học lần đầu tiên.
 
Việc tiếp nhận kiến thức học thuật đối với trẻ luôn thú vị nhưng hiệu quả cao
 
Bước 3 – Ghi nhớ
 
Tại bước này, trẻ đã có thể nhớ được tên gọi với vật tương ứng. Đây là bước kiểm tra nhận thức của trẻ: cô hỏi trẻ để trẻ gọi tên khái niệm/từ vựng mà bé đã được học ở bước đầu tiên.
 
Các cô sẽ chỉ thực hiện bước thứ ba khi chắc chắn trẻ đã sẵn sàng, chắc chắn thành công. Khi trẻ làm chủ được một kiến thức – kĩ năng, trẻ sẽ thực sự vui vẻ hạnh phúc, trở nên mạnh mẽ, độc lập hơn và có động lực thúc đẩy trẻ muốn học tiếp những lần khác, những bài học khác. Trẻ sẽ được tạo cơ hội để lặp lại nhiều lần nhằm chắc chắn là trẻ đã nhận thức về điều được học. Bước thứ ba cũng là cơ hội để cô giúp trẻ nếu có lỗi phát âm thì đây là lúc trẻ tự sửa lỗi phát âm một cách kịp thời và đúng ngữ cảnh nhất.
 
Bài học 3 bước thực sự là một kỹ thuật đặc trưng vô cùng hiệu quả trong việc hình thành các khái niệm mới hay các nội dung học thuật cho trẻ mầm non trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi. Để giúp trẻ thành công thì cần đảm bảo bài học ngắn gọn, đơn mục tiêu và trẻ chơi vui vẻ. Đây cũng thực sự là một “bí kíp” dành cho những phụ huynh quan tâm và muốn đồng hành cùng con tại nhà. Đừng ngại liên hệ ngay các chuyên gia giáo dục tại Clover Montessori khi bạn cần tư vấn thông tin chuyên môn nhé.
 
– Trần Hồng Nhung  – 
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.