fbpx

TẠI SAO LỚP HỌC CLOVER MONTESSORI LẠI TRỘN ĐỘ TUỔI?

Theo nghiên cứu của bà Maria Montessori, tiến trình phát triển của trẻ được chia làm 2 giai đoạn: từ 0-3 tuổi và từ 3-6 tuổi. Ở thời kỳ này, việc trộn lẫn các lứa tuổi trong lớp học có ý nghĩa rất quan trọng giúp trẻ tối đa hóa sự phát triển học thuật, xã hội và cảm xúc của chúng. 
 
Lớp học trộn độ tuổi là một đặc trưng của phương pháp giáo dục Montessori 
 

Trẻ cần môi trường rộng lớn hơn 

 
Trong quyển “Bí ẩn trẻ thơ” của tác giả Maria Montessori – “mẹ đẻ” của phương pháp giáo dục Montessori, chỉ ra rằng: “Ngôi nhà của Trẻ phải là nơi có thể giúp cá thể hòa nhập vào tập thể… Nó không phải là một thiết kế ngẫu nhiên, dựng lên một cách tùy tiện với sự áp đặt chủ quan. Ngược lại, Ngôi nhà của Trẻ là một không gian được suy tính, cân nhắc kĩ lưỡng”. 
 
Phải chăng không gian mà nữ tiến sĩ người Ý nhắc đến là một môi trường nơi mà trẻ được bình thường hóa một cách tự nhiên nhất? Bởi mỗi đứa trẻ đều trở thành người lớn, chúng sẽ luôn tương tác với những người ở các độ tuổi khác nhau dù trong gia đình hay xã hội. Theo lẽ đó, môi trường lớp học có sự trộn lẫn các lứa tuổi sẽ trở thành một xã hội thu nhỏ với những lợi ích vượt trội về giáo dục. Đây là một trong những điểm đặc trưng của phương pháp Montessori với mục tiêu giúp trẻ thành công bên ngoài lớp học – trong đời sống thực tế. 
 
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Maria Montessori, tiến trình phát triển của trẻ trong 6 năm đầu đời được chia làm 2 giai đoạn: 
  • Giai đoạn 1 (từ 0-3 tuổi): Ở giai đoạn này, trí tuệ của trẻ giống như miếng bọt biển, bà Maria Montessori gọi đó là trí tuệ thẩm thấu. Đứa trẻ thấm hút tất cả mọi thứ một cách vô thức.
  • Giai đoạn 2 (từ 3-6 tuổi): Đây là giai đoạn trí tuệ của trẻ, chúng vẫn thấm hút mọi thứ, nhưng chúng đã có nhận thức về việc này và bắt đầu bộc lộ những gì đã thấm hút từ trước đó.
Chính trong thời kỳ đầu tiên này, trẻ cần một môi trường rộng lớn hơn ở nhà, và trường học – lớp học là một sự lựa chọn của phần lớn các phụ huynh. Clover Montessori thấu hiểu được những mong muốn mà ba mẹ sẽ gửi gắm khi con đến lớp, đồng thời nắm rõ đặc điểm phát triển của trẻ trong từng giai đoạn. Vì thế, nhà trường tin rằng, các lớp học trộn độ tuổi sẽ là cách giúp trẻ tối đa hóa việc học hỏi của mình. Ba mẹ hoàn toàn yên tâm sau thời gian học tập, con trẻ sẽ trưởng thành và phát triển vượt bậc về các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. 
 

Diệu kỳ từ mối quan hệ giữa những đứa trẻ 

 
“Trẻ nhận thức được những ai ở xung quanh chúng. Đứa lớn sẽ thường nhìn thấy những đứa nhỏ cố ý quan sát công việc của người khác, đặc biệt là của những đứa lớn hơn. Bằng cách làm như vậy, chúng thấm hút nhiều hơn và chuẩn bị sẵn sàng để bản thân tham gia tích cực hơn vào cộng đồng của lớp học” – Nữ tiến sĩ Y khoa đầu tiên của Ý nhận định. Có thể thấy, sự lựa chọn trộn lẫn lứa tuổi trong lớp học sẽ cho phép các trẻ được hòa mình vào một “xã hội thu nhỏ” đầy màu sắc, chúng sẽ nhận lại nhiều bài học diệu kỳ từ những đứa trẻ khác. 
 
Lớp học trộn độ tuổi tại Clover Montessori như một “xã hội thu nhỏ” rèn giũa tính cách của trẻ 
 
Thứ nhất, trong lớp học trộn độ tuổi ở mầm non Montessori, các con sẽ được dạy cách yêu thương và cùng sinh hoạt với nhau như một gia đình, nơi các con cảm nhận sự thoải mái và ấm áp. 
 
Thứ hai, việc ghép nhiều lứa tuổi cùng một lớp sẽ giúp trẻ được học tập trong môi trường “xã hội thu nhỏ”. Tại đó, trẻ có cơ hội khám phá và phát triển một cách tự nhiên. Trẻ không chỉ được học các kiến thức mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm cuộc sống thông qua việc giữ các vai trò khác nhau trong lớp học. 
 
Chúng sẽ biết cách quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ cho các bạn nhỏ khác trong khả năng giúp đỡ của mình. Nhờ vậy, các bạn lớn sẽ tự mình củng cố kiến thức và học tập nhiều hơn. Song song đó, tâm thức của các bạn nhỏ cũng được khuyến khích nuôi dưỡng khát khao và học hỏi từ những thành tích mà trẻ lớn đạt được. Dần dần, trẻ có thể trau dồi các kỹ năng tự lập, kỷ luật, biết cách yêu thương và sẻ chia; rèn luyện kỹ năng giao tiếp, cư xử lịch sự, nhã nhặn, hành động đúng mực; cũng như phát triển tố chất của những nhà lãnh đạo, những trợ tá tài năng. 
 
Bên cạnh đó, lớp học trộn lẫn độ tuổi còn rèn dũa cho trẻ cách tôn trọng sự đa dạng và khác biệt giữa các cá nhân trong một tập thể, rộng hơn là xã hội. Bởi trong quá trình học tập, trẻ sẽ học cách hợp tác làm việc theo nhóm và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên trong lớp. 
 
 
Thứ ba, trong lớp học trộn độ tuổi, giáo viên đóng vai trò là người quan sát, đồng hành và củng cố kiến thức liên tục trong thời gian dài. Vì thế, các cô có thể dễ dàng thấu hiểu và hỗ trợ trẻ học tập theo đúng tiến độ cũng như đặc điểm tâm sinh lý, giúp chúng phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, được phát triển không giới hạn với những điều mà chúng có thể học.
  
Với những lợi ích vừa nêu trên, có thể thấy rằng trong một lớp học trộn lẫn các lứa tuổi, mối quan hệ giữa những đứa trẻ mang lại nhiều điều diệu kỳ. Trong cuốn sách “The Child, Society and the World”, bà Maria Montessori khẳng định: “Chúng ta không thể tưởng tượng một đứa trẻ nhỏ hơn học từ những đứa trẻ lớn hơn tốt ra sao. Và những đứa trẻ lớn hơn sẽ kiên nhẫn với những khó khăn của những trẻ nhỏ hơn như thế nào”. Chính nhờ sự học tập lẫn nhau, trẻ mới có thể mở mang tri thức, hình thành các kỹ năng cần thiết và phát triển về tâm hồn – những nền tảng vững chắc đưa trẻ vươn mình thành công ngoài xã hội. 
 
– Cô Bùi Thị Bạch Tuyết – Giáo viên Montessori Cơ sở Phú Mỹ Hưng – 
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.