fbpx

TẠI SAO HIỆN NAY TỶ LỆ TRẺ CHẬM NÓI NGÀY CÀNG TĂNG?

Mỗi ngày tại Clover Montessori đội ngũ chuyên môn phải tiếp xúc từ 3-5 phụ huynh cần tư vấn để cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ. Có trẻ khi đến Clover chưa nói được từ nào mặc dù trẻ đã hơn 4 tuổi. Có trẻ may mắn hơn khi được phát hiện và hỗ trợ sớm đúng cách.
 
Có 3 nguyên nhân chính tác động đến kết quả trẻ chậm nói ngày càng tăng trong xã hội ngày nay như sau:
 

1. Phụ huynh chưa biết đến khám phá thú vị của bà Montessori về “Thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ” ở trẻ mầm non 

 
Tiến sĩ giáo dục Maria Montessori cho rằng: ngay khi đứa bé được sinh ra đời, bé đã có nhu cầu phát triển ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người xung quanh. Bé dùng tiếng khóc của mình để giao tiếp với mẹ, mong mẹ đáp ứng nhu cầu đói hoặc thể hiện cảm giác đau của mình. Bé có xu hướng tập trung vào âm thanh của người lớn hơn, bé thường nhìn vào miệng của ông bà khi trò chuyện với mình để bắt đầu hành trình học tập của bản thân.
 
Trẻ sơ sinh giao tiếp từ rất sớm thông qua ánh mắt – tiếng khóc
 
Thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ, theo khám phá của Bà Montessori, kéo dài từ lúc 0 đến 6 tuổi. Cánh cửa nhạy cảm ngôn ngữ mở ra và đóng lại nhiều lần trong suốt giai đoạn này. Đây là sự khác nhau của những cánh cửa nhạy cảm khác khi chỉ mở và đóng một lần duy nhất. 
 
Nếu phụ huynh hiểu được và vận dụng khám phá này của phương pháp Montessori, phụ huynh sẽ tập trung, chủ động để giúp bé phát triển mạnh mẽ nhất ngôn từ trong từng giai đoạn mà cánh cửa ngôn ngữ mở ra. Lúc này năng lượng nội tại bên trong bé để học ngôn ngữ là rất mạnh mẽ. Bé sẽ không cảm thấy mệt, hoặc đuối sức khi được người lớn đưa thông tin đầu vào liên tục cho bé vào thời điểm này. Khi cánh cửa nhạy cảm về ngôn ngữ đóng lại, bé đã sở hữu cho riêng mình vốn từ vựng kha khá đủ để bé giao tiếp phù hợp với độ tuổi của mình.
 
Rất đáng tiếc là người lớn chúng ta thường để giai đoạn vàng này trôi qua một cách lặng lẽ mà không biết cách hỗ trợ và giúp sức cho bé đúng cách. Đến khi cánh cửa nhạy cảm ngôn ngữ đóng lại, bé chưa kịp sở hữu vốn từ vựng cho riêng mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bé có thể bật âm để nói. 
 
Tiết học tiếng Anh vui nhộn của các bé lớp 0 – 3 tuổi tại Clover Montessori
 

2. Trẻ không được đưa vào môi trường phù hợp – một môi trường được chuẩn bị kỹ càng thì việc học ngôn ngữ và giao tiếp của bé cũng sẽ gặp nhiều cản trở 

 
Độ tuổi mầm non, bé học từ vựng không giống như các bé ở lứa tuổi tiểu học bởi trong giai đoạn 0-3 tuổi bé chưa có trí nhớ, cũng như chưa có ý thức. Bé phải được học từ vựng qua năm giác quan, qua vật thật, hình ảnh trực quan thật. Bé không thể học từ vựng hiệu quả khi chỉ nhìn hình 2D hoặc chỉ thông qua ngôn từ và bảo bé lặp lại. Có thể bé sẽ lặp lại chính xác những gì người lớn nói, nhưng việc bé có hiểu bản chất của từ bé mới lặp lại hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
 
Chẳng hạn khi bé học từ “lạnh”, bé phải được chạm tay vào bên ngoài của ly nước đá. Tay bé chạm sờ vào ly nước, sẽ có cảm giác lành lạnh. Cảm giác này sẽ truyền tín hiệu lên não bộ của bé để bé hiểu cái cảm nhận ấy khác biệt thế nào. Lúc đó, cô giáo mới nói với bé ngắn gọn “lạnh” với ánh mắt kiên định nhìn vào bé để khuyến khích bé nói. Lúc này chúng ta càng nói ít với bé càng tốt. Chỉ nói một từ vựng mà chúng ta muốn bé học thôi. 
 
Dạy ngôn ngữ cho bé cũng phải đúng cách để bé thu nạp vốn từ vào tâm trí một cách tối đa và hiệu quả nhất.
 

3. Người lớn thường không đủ kiên nhẫn với tốc độ “chậm chạp” của bé, kể cả khi nói chuyện với trẻ 

 
Thông thường chúng ta sẽ đến giao tiếp với bé mỗi khi chúng ta rảnh rỗi. Câu chuyện giao tiếp với bé cũng thường không đầu không đuôi, thậm chí còn có nhiều từ không có nghĩa, như “ơ, ô, ư”… Nếu các bậc cha mẹ hiểu rằng: giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn não bộ của bé thu nạp 100% mọi thứ diễn ra xung quanh. Bé thu nạp lời nói của ba mẹ, ông bà khi nói chuyện với mình. Bé sẽ cho vào tâm trí cách ba mẹ ứng xử với nhau trước mặt mình. Bé vô tình đi ngang những nơi phức tạp, cũng sẽ thu nạp những ngôn từ không hay vào trí nhớ…
 
Chúng ta thường cứ tưởng rằng bé còn quá nhỏ không biết gì vào thời gian đầu đời ấy, nên rất vô tư mang bé đến những nơi chưa được chọn lọc kỹ, ngôn từ sử dụng với bé cũng chưa được trau chuốt để bé tiếp thu những lời hay ý đẹp. 
 
Gia đình và trường mầm non là nơi có những người hướng dẫn quan trọng nhất của bé. Vốn từ vựng của bé ít hay nhiều, bé bị chậm nói hay phát triển vượt bậc về ngôn ngữ đều do hai môi trường này tạo ra.
 
Circle time là một hoạt động trò chuyện đầu ngày tại lớp học Montessori
 
Như vậy, các bậc cha mẹ cần phải làm gì để giúp con phát triển tối đa năng lực ngôn ngữ từ những năm tháng đầu đời?
 
  • Học cách giao tiếp và tiếp ngôn ngữ với bé đúng cách. Phương pháp Montessori là phương pháp tuyệt vời nhất để tăng vốn từ vựng cho bé. Bạn có thể học qua sách, học qua các chuyên gia hoặc đến Clover Montessori để được chia sẻ miễn phí cách dạy ngôn ngữ cho bé hiệu quả nhất;
  • Nói chuyện thường xuyên với bé một cách chậm rãi, ngang bằng tốc độ nói của bé để tạo cho bé sự tự tin trong giao tiếp. 
  • Ngôn từ nói chuyện với bé phải được chọn lọc kỹ càng. Chỉ nói với bé những lời hay ý đẹp và nói nguyên câu đầy đủ văn phạm.
  • Quan sát để xem bé thích thể loại sách nào để đáp ứng nhu cầu này của bé. Bé sẽ rất hứng thú khi xem và học những quyển sách có chủ đề mà bé yêu thích. Có những bé chỉ mê sách khủng long, nhưng có bé chỉ mê các khối hình học và màu sắc.
  • Chọn môi trường học tập cho con phù hợp. Môi trường ấy bạn phải cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc, yêu thương và tôn trọng. Bạn chỉ cần quan sát tâm thế và hình ảnh của đội ngũ giáo viên bạn sẽ sớm phát hiện ra điều ấy. Đây là những dấu hiệu không ai có thể dùng mặt nạ để làm giả được, vì tâm sinh tướng. Giáo viên không có tâm yêu thương bé thì gương mặt cũng sẽ toát lên điều ấy. Đó chính là chiếc camera chính xác nhất khi bạn chọn trường học cho bé.
 
Nguyễn Huỳnh Thu Trúc – CEO Hệ thống mầm non Clover Montessori
 
***
Clover Montessori là ngôi trường mầm non chú trọng vào bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng, phát triển ngôn ngữ vượt bậc, tăng cường khả năng tập trung, rèn tính tự lập và tự tin cho trẻ.