Thời kỳ nhạy cảm đó là gì? Biểu hiện của trẻ ra sao và cha mẹ cần phải nắm bắt những gì để phát triển tối ưu cho con? Các chuyên gia nghiên cứu giáo dục sớm đã quan sát và nghiên cứu các thời kỳ nhạy cảm ở trẻ. Tổng kết lại thành 9 thời kỳ quan trọng đối với trẻ và quan trọng đối với chính các bậc cha mẹ.
1. Thời kỳ nhạy cảm về ngôn ngữ
Độ tuổi: 0 – 6 tuổi.
Thời kỳ nhạy cảm của trẻ đối với ngôn ngữ xuất hiện khá sớm. Khi trẻ bắt đầu chú ý đến khẩu hình và giọng điệu phát ra từ người lớn thì khả năng ngôn ngữ đã bắt đầu bộc lộ.
Vì vậy ngay cả khi trẻ mới chào đời. người mẹ cũng nên thường xuyên giao lưu với trẻ. Kể chuyện cho trẻ nghe hoặc đặt câu hỏi để thúc đẩy năng lực biểu đạt của trẻ. Cách làm này sẽ tạo ra cơ sở vững chắc giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ về sau.
TS.BS. Maria Montessori chỉ ra rằng từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi là giai đoạn vô cùng nhạy cảm đối với sự phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ. Chính vì trẻ có thể phân biệt rất rõ ràng âm thanh ngôn ngữ. Có khả năng bắt chước nên khả năng tiếp thu và học các ngôn ngữ khác nhau của trẻ diệu kỳ hơn nhiều so với người lớn.
Tuy nhiên cha mẹ cũng phải nên cẩn trọng để trẻ có một môi trường ngôn ngữ phong phú, lành mạnh xung quanh tạo điều kiện cho trẻ phát triển hoàn thiện về ngôn ngữ, tránh tình trạng nói ngọng. Người lớn tránh văng tục, chửi thề trước mắt trẻ.
2. Thời kỳ nhạy cảm về tính trật tự
Độ tuổi: 0 – 4 tuổi
Khi phát hiện ra môi trường quen thuộc bị thay đổi trẻ sẽ cảm thấy lạ lẫm, sợ hãi và khó hòa nhập. Một môi trường có trật tự sẽ giúp trẻ nhận thức về sự vật. Môi trường quen thuộc không chỉ có lợi, mà nó còn là điều tất yếu.
Tính trật tự của sự vật và những thói quen sinh hoạt có thể mang lại cho trẻ những căn cứ trực giác về mối quan hệ giữa các sự vật. Trong môi trường này, trẻ sẽ dần hình thành được tính trật tự. Đồng thời khả năng trí tuệ cũng được phát triển.
Trẻ trong giai đoạn này cần sự ổn định và thời kỳ này còn được gọi là giai đoạn tổ chức. Trẻ cần có cảm giác an toàn. Trẻ tập trung vào việc hình thành và phát triển các thói quen hoặc khuôn mẫu trong môi trường sống xung quanh trẻ.
3. Thời kỳ nhạy cảm về cảm giác
Độ tuổi: 0 – 6 tuổi
Thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác là những giác quan mà trẻ dùng để tìm hiểu thế giới và các sự vật ngay từ khi sinh ra. Từ 0 đến 3 tuổi, thông qua khả năng tiếp thu nhận thức. Trẻ có thể tiếp nhận thông tin từ bên ngoài.
Từ 3 đến 6 tuổi trẻ sẽ tận dụng những giác quan đó để phân tích thông tin từ bên ngoài. Tính hiếu kì của trẻ em trong thời kỳ này rất mạnh. Chúng luôn muốn tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng các giác quan. Xác định rõ những cảm giác cụ thể, cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu về trí tò mò của trẻ.
4. Thời kỳ nhạy cảm đối với sự vật nhỏ bé
Độ tuổi: 1,5 – 4 tuổi
Trẻ trong thời kỳ này có góc nhìn hoàn toàn khác với người lớn. Trẻ phát triển khả năng tập trung vào một sự việc, một tình huống cụ thể. Người lớn thường chỉ trông thấy những vấn đề chủ yếu còn trẻ lại phát hiện ra những sự vật vô cùng nhỏ bé xung quanh môi trường sống của mình. Ví dụ: người lớn nhìn bãi cỏ, còn trẻ em sẽ nhìn lá cây hoặc một con chim.
Người lớn nhìn một bộ quần áo, còn trẻ con lại chỉ nhìn túi áo. Đây là thời kỳ trẻ luyện tập khả năng tập trung – chú ý. Ta biết rằng khả năng tập trung, chú ý là vô cùng quan trọng và nó chính là một trong những yếu tố quyết định năng suất và hiệu quả học tập cũng như lao động của mỗi người. Vì vậy, người lớn có thể nhân cơ hội này để bồi dưỡng cho trẻ thói quen cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo và toàn diện.
5. Thời kỳ nhạy cảm về hành động
Độ tuổi: 0 – 6 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ luyện tập kỹ năng kiểm soát các hoạt động của cơ thể. Trẻ có một sự kích thích rất tự nhiên để đạt được kỹ năng hoạt động của mình. Chính vì thế, trẻ thường lặp đi lặp lại một hành động nào đó cho đến khi làm được một cách thành thạo mới ngưng.
Rất nhiều bậc phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cảm thấy bực mình, khó chịu khi con mình cứ lặp đi lặp lại một việc nào đó và họ cho rằng như thế là rất mất thời gian. Họ thường bế trẻ đi chỗ khác hoặc chen ngang không cho trẻ thực hiện hành động đó nữa.
Tiến sĩ Maria Montessori cho rằng đó là sự can thiệp thô bạo vào sự phát triển vốn rất tự nhiên của trẻ. Bản tính của trẻ đa phần là hiếu động và nghịch ngợm. Từ học ngồi, học bò đến học đi, mọi vận động của trẻ cứ dần dần phát triển.
Cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những điều kiện tốt nhất đối với sự vận động của trẻ, giúp trẻ thực hiện động tác một cách chính xác thuần thục, hơn nữa cha mẹ cần chú ý rèn luyện các động tác phối hợp giữa tay chân và mắt. Điều này không chỉ giúp trẻ rèn luyện thành những thói quen sinh hoạt tốt mà còn giúp não trái và não phải phát triển cân bằng, thúc đẩy phát triển cả về sức khỏe lẫn trí lực.
6. Thời kỳ nhạy cảm đối với ứng xử xã hội
Độ tuổi: 2,5 – 6 tuổi
Trẻ khoảng hai tuổi rưỡi đã bắt đầu nảy sinh tình cảm đối với người khác. Có nhu cầu được giao lưu kết bạn, muốn tham gia vào các hoạt động tập thể. Đây là giai đoạn ta nhận thấy được tình bạn giữa những đứa trẻ phát triển . Chúng có thể cùng nhau đưa ra những ý tưởng hay cho một số trò chơi chung. Lúc này, mẹ phải hướng dẫn trẻ tiếp xúc với nhiều bạn bè; tham gia hoạt động giao lưu đông người. Trong quá trình này, nên giáo dục trẻ hình thành những lễ nghĩa đời thường và phép tắc sinh hoạt đúng đắn, lịch sự.
Cũng trong thời kỳ này. Trẻ thường xuyên chú ý đến hành vi của người khác cũng như hành động, thái độ và sự phản ứng của mọi người trong một nhóm. Chính vì vậy, giai đoạn này cũng là khoảng thời gian thích hợp. Để chúng ta hướng dẫn cho trẻ những thái độ đúng đắn và những nguyên tắc cơ bản trong sự tương tác giữa người với người. Cũng như sự cân nhắc suy nghĩ vì người khác.
7. Thời kỳ nhạy cảm về chữ viết
Độ tuổi: 3,5 – 4,5 tuổi
Hơn 3 tuổi, trẻ sẽ đột nhiên cảm thấy hứng thú với việc “bôi vẽ”. Trẻ thường thích lấy bút vẽ linh tinh hoặc viết. Mặc dù trẻ chưa thể vẽ được, thậm chí còn chưa biết cách cầm bút chính xác nhưng mẹ không nên cấm đoán hoặc kìm hãm sở thích này của trẻ, mà nên cố gắng đáp ứng mong muốn thích vẽ, thích viết của trẻ. Cha mẹ có thể trò chuyện và cùng con vẽ tranh theo chủ đề nhất định về mọi thứ xung quanh trẻ.
8. Thời kỳ nhạy cảm về khả năng đọc
Độ tuổi: 4,5 – 5,5 tuổi
So với khả năng ngôn ngữ, khả năng cảm giác và khả năng vận động. Thì khả năng viết và đọc của trẻ xuất hiện tương đối muộn nhưng cũng đồng thời với quá trình phát triển những khả năng trên. Nếu có thể tạo được cho trẻ môi trường phù hợp để tự do học tập thì khả năng đọc và khả năng viết cũng sẽ xuất hiện. Lúc này, mẹ có thể lựa chọn cho trẻ những cuốn sách thích hợp. Tạo cho trẻ môi trường đọc thật tốt, giúp trẻ hình thành thói quen yêu thích việc đọc sách.
9. Thời kỳ nhạy cảm về văn hóa
Độ tuổi: 6 – 9 tuổi
Trẻ trong thời kỳ này đã có khả năng về ngôn ngữ có tư duy logic. Khả năng về thị giác không gian, âm nhạc, vận động ở một mức độ nhất định. Trẻ bắt đầu có cảm hứng với việc học văn hóa, trí tò mò cũng được tăng lên vì thế rất đam mê tìm hiểu những điều bí ẩn.
Lúc này, cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những thông tin văn hóa đa dạng, phong phú. Để trẻ mở rộng kho tàng kiến thức cho bản thân. Gia đình cũng nên tăng cường cho trẻ các chuyến đi dã ngoại hoặc tổ chức các hoạt động vận động, ngoại khóa, gắn kết ở bên ngoài căn nhà, khích lệ trẻ tự do khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh.
9 thời kỳ nhạy cảm kể trên vừa là thách thức nhưng cũng thực sự là cơ hội tuyệt vời trong hành trình nuôi dạy con của ba mẹ. Điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn và nỗ lực của cha mẹ trong việc chọn cho con. Một môi trường thích hợp như: trường học có môi trường giáo dục Montessori chuẩn mực. Hay sử dụng đúng cách những Giáo cụ Montessori để giúp trẻ phát huy tối đa thế mạnh. Tận dụng tốt những thời kỳ nhạy cảm để phát triển khả năng vượt bậc hơn nữa.
Xem thêm: Kiến thức cho mẹ